Tiền Giang: Sạt lở sông Trà Lọt 'thức dậy còn nhà là may'

Bắc Bình
Bắc Bình
12/10/2024 15:33 GMT+7

Mỗi sớm thức dậy biết ngôi nhà của gia đình mình chưa bị sông Trà Lọt nuốt chửng là ông Võ Văn Hòa (70 tuổi, xã Hòa Khánh, H.Cái Bè, Tiền Giang) thở phào.

Sạt lở đe dọa

Theo phản ánh của ông Võ Văn Hòa (70 tuổi), thương binh 1/4 cùng nhiều hộ dân ở ấp Hòa Quý, xã Hòa Khánh (H.Cái Bè, Tiền Giang), PV Thanh Niên đến hiện trường ghi nhận tình trạng sạt lở sông Trà Lọt đang đe dọa, gây thiệt hại cho đời sống nhiều hộ dân trong khu vực.

Tiền Giang: Sạt lở sông Trà Lọt 'thức dậy còn nhà là may'- Ảnh 1.

Sạt lở mất đoạn đê sông Trà Lọt, khoét hàm ếch vào nửa nền nhà thương binh Võ Văn Hòa ở xã Hòa Khánh, H.Cái Bè

ẢNH: BẮC BÌNH

Ông Hòa có hơn 2.000 m2 đất vườn trồng cây ăn trái và ngôi nhà cấp 4 nằm sát bên bờ đông sông Trà Lọt. Từ đầu mùa mưa năm nay, khoảng 60 m đê nằm ngay trước nhà ông Hòa và một vài hộ dân khác đã bị sạt xuống sông. Hiện tượng sạt tiếp tục đang chực chờ vì bờ đê tiếp tục xuất hiện vết nứt lớn, lấn vào bên trong đê khoảng 10 m…

"Hết cách rồi, vì tôi cùng với bà con đã dùng bao tải cát, bạt nhựa… để ngăn triều cường tràn vào bên trong vườn cây, nhà cửa nhưng không ăn thua. Căn nhà của gia đình tôi hiện đã bị khoét hàm ếch hơn phân nửa rồi. Tình hình này kéo dài thì kiểu gì mà ngôi nhà tôi còn giữ được. Sà lan chở cát chạy qua lại suốt đêm ngày…", ông Hòa than!

Tiền Giang: Sạt lở sông Trà Lọt 'thức dậy còn nhà là may'- Ảnh 2.

Ông Võ Văn Hòa lo mất ăn mất ngủ vì ngôi nhà của ông có thể bị sạt lở xuống sông Trà Lọt bất cứ lúc nào

ẢNH: BẮC BÌNH

Đoạn đê bị sạt lở đã gây ra rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân xóm ông Hòa. Anh Võ Minh Thành chia sẻ, việc đưa đón con cái đến trường ở trung tâm xã Hòa Khánh gặp trở ngại lớn do xe cộ không thể di chuyển qua đoạn đường này. "Trước đây, xe máy, xe tải nhỏ có thể vào tận vườn thu mua trái cây, nhưng giờ đê sạt lở rồi, vườn có trái cây cũng khó lòng bán được giá thị trường, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân", anh Thành cho biết thêm. Tình trạng sạt lở đê không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển, sản xuất nông nghiệp mà còn đe dọa đến tính mạng của người dân khi có người bệnh cần cấp cứu. "Nghiệt ngã nhất là khi có người bệnh nặng, người nhà phải cõng bệnh nhân cả cây số mới đến được nơi xe cấp cứu vào được", anh Thành nói.

Sạt lở sông Trà Lọt: Thức dậy còn nhà là mừng lắm

Không chỉ vậy, sạt lở còn khiến nước triều cường xâm nhập vào vườn cây ăn trái, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân. Anh Huỳnh Văn Tới, chủ vườn sầu riêng ở ấp Hòa Quý, xã Hòa Khánh, ngậm ngùi: "Nước triều cường tràn vào vườn khiến việc xử lý sầu riêng ra hoa đồng loạt gặp thất bại. Mấy tháng nay, tôi phải tốn nhiều công sức, tiền bạc để cắt nước, giữ đất khô cho cây ra hoa. Vậy mà, vụ vừa rồi, cả mẫu sầu riêng của gia đình tôi không những mất trắng mà vốn đầu tư phân thuốc cũng đổ sông đổ biển hết", anh Huỳnh Văn Tới nói.

Cái Bè sẽ xem xét tình huống khẩn cấp sạt lở sông Trà Lọt

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Nha, Chủ tịch UBND H.Cái Bè (Tiền Giang), cho biết tình hình sạt lở bờ sông Trà Lọt đã báo động từ vài năm qua. Thực trạng này đã khiến nhiều hộ dân phải di chuyển nhà cửa, chịu mất nhiều đất đai có vườn cây ăn trái… Tuy nhiên, trong điều kiện kinh phí khó khăn, UBND H.Cái Bè chỉ mới khắc phục tạm được 1 vài điểm sạt lở có quy mô lớn, hậu quả nghiêm trọng.

Tiền Giang: Sạt lở sông Trà Lọt 'thức dậy còn nhà là may'- Ảnh 3.

Người dân tự chằng chống bằng bạc nhựa, bao cát,...để ngăn triều cường tràn vào vườn cây nhưng không có hiệu quả

ẢNH: BẮC BÌNH

"UBND các xã ven sông Trà Lọt đã đồng loạt đề xuất dự án bờ kè 2 bên sông Trà Lọt kéo đến vàm Mỹ Thuận với kinh phí tổng cộng khoảng 4.000 tỉ đồng. Đó là một thử thách quá lớn trong điều kiện hiện nay. Trước mắt, UBND Cái Bè sẽ có khảo sát thực tế, xem xét tình huống khẩn cấp tại điểm sạt lở tại hộ ông Võ Văn Hòa và một vài điểm sạt lở khác, nếu đủ điều kiện sẽ áp dụng tình huống khẩn cấp để hạn chế tối thiểu thiệt hại cho người dân, bằng nguồn kinh phí dự phòng và quỹ phòng chống thiên tai của H.Cái Bè", ông Nha nói.

Tiền Giang: Sạt lở sông Trà Lọt 'thức dậy còn nhà là may'- Ảnh 4.

Nhiều vườn sầu riêng bị triều cường tràn vào dẫn đến không thể xử lý cho cây ra hoa đồng loạt được, thiệt hại nghiêm trọng

ẢNH: BẮC BÌNH

Cũng theo Chủ tịch UBND H.Cái Bè, trên địa bàn huyện hiện có đến 28 điểm sạt lở nghiêm trọng cần phải xử lý, khắc phục ngay trong mùa mưa bão năm nay. Trong đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã đồng ý hỗ trợ huyện 9 dự án tại 9 điểm sạt lở với tổng kinh phí 40 tỉ đồng, còn lại huyện tự khắc phục 19 điểm sạt lở với tổng kinh phí ước tính hơn 60 tỉ đồng. Tuy nhiên, tất cả các nguồn vốn mà H.Cái Bè có thể vận dụng được trong năm nay là không đủ. Do đó, ngoại trừ các điểm sạt lở đủ điều kiện áp dụng tình huống khẩn cấp để thực hiện dự án, các điểm sạt lở còn lại chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ 1 phần kinh phí, đồng thời vận động người dân tự thực hiện các giải pháp để ngăn triều cường, bảo vệ vườn cây ăn trái của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.