Tiền gửi cá nhân ở ngân hàng tăng chậm kỷ lục

Thanh Xuân
Thanh Xuân
23/07/2021 06:52 GMT+7

Tốc độ huy động tiền gửi dân cư của các ngân hàng thương mại đang ở mức thấp nhất trong vòng 9 năm trở lại đây, trong khi tiền gửi của khối tổ chức kinh tế lại có mức tăng cao hơn.

Tiền gửi cá nhân giảm, tổ chức tăng

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 5, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,7% so với cuối năm 2020, đạt 12,558 triệu tỉ đồng, trong đó tiền gửi dân cư tăng 2,6%, đạt 5,275 triệu tỉ đồng (mức tăng thấp nhất trong vòng 9 năm trở lại đây) và tiền gửi tổ chức kinh tế tăng 3,26%, đạt 5,036 triệu tỉ đồng.
Các năm trước, tốc độ tăng trưởng tiền gửi dân cư ở mức khá cao và có xu hướng giảm dần những năm gần đây. Chẳng hạn, tháng 5.2012 tăng gần 16%, qua tháng 5.2013 tăng 14,26% và năm 2014 tăng 9,49%, năm 2015 tăng 8,31%, năm 2016 tăng 11,04%, năm 2017 tăng 9,39%, năm 2018 tăng 7,5%, năm 2019 tăng 6,84%, qua năm 2020 tăng 4% và nay còn 2,6%.
Ngược lại, số liệu tiền gửi thanh toán cá nhân (tài khoản thanh toán của cá nhân) trong quý 1/2021 lại tăng khá mạnh so với những năm trước. Số lượng tài khoản quý 1/2021 đạt 104,189 triệu tài khoản với dư nợ 741.378 tỉ đồng, tăng 264.855 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là mức cao nhất trong vòng 9 năm gần đây. Số tiền tài khoản cá nhân tăng gấp 10,8 lần so quý 2/2012 cũng như gấp 1,55 lần cùng kỳ năm 2020. Cùng chiều, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế lại tăng mạnh, tháng 5.2021 tăng 3,26% thay vì cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 0,26%. Đây cũng là mức tăng cao đứng thứ 2 trong 9 năm trở lại đây, chỉ sau năm 2018 với mức 6,86%, còn lại những năm trước có thời điểm tăng trưởng âm như năm 2012, 2014, 2015.
Trong bối cảnh nguy cơ lạm phát tăng cao như hiện nay thì khả năng lãi suất huy động tăng 1% trong thời gian tới là chấp nhận được
TS Nguyễn Trí Hiếu
Những số liệu trên cho thấy các dòng tiền gửi cá nhân đang dần dịch chuyển vốn khi lãi suất tiết kiệm ở mức thấp. Thực tế, điều này đã xuất hiện từ đầu năm trở lại đây. Lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng của các ngân hàng thương mại (NHTM) ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 3,1 - 3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ 4 - 5,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6 - 6,7%/năm. So với tăng trưởng vượt bậc của chứng khoán những tháng đầu năm, tỷ lệ này rất khiêm tốn. Vì vậy, để giữ chân khách hàng, một số NHTM gần đây tăng lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng.
Chẳng hạn, Techcombank vừa tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 0,2 - 0,4%/năm, cụ thể lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng lên 2,8 - 3,1%/năm, 3 tháng từ 3 - 3,2%/năm, 6 tháng tăng mạnh nhất lên 4,4 - 4,8%/năm, 12 tháng lên 5 - 5,4%/năm... VPBank thay đổi lãi suất huy động tại quầy kỳ hạn 1 tháng từ 3 - 3,4%/năm tùy theo số tiền gửi, 3 tháng từ 3,65 - 4%/năm, 6 tháng từ 4,5 - 5%/năm, 12 tháng từ 4,8 - 5,3%/năm. Trong trường hợp khách hàng gửi tiết kiệm online, lãi suất sẽ được tăng thêm 0,2% so với mức tại quầy.

Tiền đổ vào chứng khoán?

Ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng qua các số liệu trên cho thấy đại dịch Covid-19 xảy ra, các doanh nghiệp và cá nhân không thể quay vòng được vốn, dẫn đến lượng tiền gửi suy giảm. Ở đây, tiền gửi cá nhân tăng chậm nhưng tiền gửi tổ chức lại tăng cao hơn cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Các cá nhân có thể chuyển dịch từ tiền gửi sang tài khoản chứng khoán và tiền nằm ở tài khoản tổng của các công ty chứng khoán được ghi nhận là tiền gửi tổ chức. Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán, trong tháng 6 vừa qua, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 140.054 tài khoản, đây là ngưỡng cao kỷ lục trong lịch sử.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 619.911 tài khoản, tăng 58% so với số lượng của cả năm 2020. Số lượng tài khoản tăng lên đồng nghĩa tiền chuyển dịch vào các tài khoản chứng khoán nhiều hơn. Số liệu từ các công ty chứng khoán hồi quý 1 cho thấy số dư tiền gửi của khách hàng tại các công ty chứng khoán khoảng 65.000 tỉ đồng, tăng khoảng 8% so với thời điểm đầu năm và đây cũng được xem là con số cao từ trước đến nay. Liên quan đến việc các NHTM điều chỉnh lãi suất huy động tiền đồng, ông Lê Đạt Chí cho rằng lãi suất rục rịch tăng ở một số NH chứ chưa phải thành một xu hướng thay đổi. Tỷ giá hiện đang giảm nên việc lãi suất tiền đồng nhích tăng lên cũng không có gì đáng lo ngại.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm vốn doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho rằng trong nền kinh tế khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, tiền gửi cá nhân xuống thấp là điều hiển nhiên. Người dân rút tiền gửi thường đáp ứng cho nhu cầu chi phí đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư vào tài sản, thị trường tài chính. Trong 3 mục tiêu này, dòng tiền gửi có xu hướng vào chi phí đời sống và đầu tư tài chính nhiều hơn. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cá nhân chuyển dịch vốn tiền gửi sang kênh chứng khoán khá nhiều trong thời gian qua. Chính vì tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi chậm hơn tín dụng nên thời gian gần đây một số NHTM tăng nhẹ mức lãi suất huy động, một phần giữ tiền gửi nhưng cũng có nguồn tiền triển khai cho vay mới. “Việc NHTM tăng lãi suất huy động sẽ khó có thể giảm lãi suất cho vay, đi ngược lại chủ trương giảm lãi suất cho vay của nhà nước. Thế nhưng trong bối cảnh nguy cơ lạm phát tăng cao như hiện nay thì khả năng lãi suất huy động tăng 1% trong thời gian tới là chấp nhận được”, ông Hiếu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.