Tiền gửi ngân hàng tăng chậm hơn cho vay

Thanh Xuân
Thanh Xuân
26/05/2022 13:52 GMT+7

Tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của tổ chức, cá nhân trong 3 tháng đầu năm tăng 462.000 tỉ đồng, trong khi cho vay 623.000 tỉ đồng.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 3, tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của tổ chức, cá nhân có số dư lên 13,644 triệu tỉ đồng, tăng 3,45% so với cuối năm 2021. So với cuối tháng 2, con số này tăng 220.000 tỉ đồng. Đây cũng là tháng có mức tăng mạnh trong số tiền tăng 462.000 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm.

Ngân hàng cho vay nhanh hơn so với huy động

ngọc thắng

Số tiền gửi của các tổ chức kinh tế tháng 3 khởi sắc tăng mạnh 228.000 tỉ đồng, lên 5,864 triệu tỉ đồng, với mức tăng 3,89% so với cuối năm 2021. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược so với 2 tháng đầu năm, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm liên tục. Tiền gửi của dân cư tăng nhẹ 17.000 tỉ đồng, lên 5,46 triệu tỉ đồng. Tổng phương tiện thanh toán tại báo cáo này chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua. Ngoài ra, tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán trong tháng 3 cũng giảm còn 11,37%, thay vì mức 11,74% của tháng 2 và 13,29% của tháng 1.

Trong khi đó, tốc độ cho vay của các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm tăng thêm 623.000 tỉ đồng, lên 11,067 triệu tỉ đồng, tăng 5,97% so với cuối năm 2021. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng nhanh ở lĩnh vực thương mại với mức tăng 5,85%, dư nợ tín dụng lên 2,625 triệu tỉ đồng; lĩnh vực công nghiệp tăng 4,91%, với dư nợ 2,077 triệu tỉ đồng; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,96%, dư nợ lên 857.786 tỉ đồng; vận tải và viễn thông tăng 3,88%, dư nợ lên 278.621 tỉ đồng; xây dựng tăng 2,9%, dư nợ ở mức 914.823 tỉ đồng; các hoạt động dịch vụ khác có mức tăng 7,8%, dư nợ lên hơn 4,312 triệu tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.