Tiền ít vẫn làm được văn hóa doanh nghiệp

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
27/08/2022 07:05 GMT+7

Văn hóa doanh nghiệp được xem là sức mạnh cốt lõi nhưng nhiều người kinh doanh lại bỏ quên nó vì nhầm tưởng phải nhiều tiền mới làm được văn hóa doanh nghiệp.

Bánh mì thanh long và ngày Phụ huynh FPT

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, nhắc đến những chiếc bánh mì thanh long trong bài nói chuyện về văn hóa doanh nghiệp (VHDN) của mình tại hội thảo Văn hóa doanh nghiệp - điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch, do Bộ VH-TT-DL và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 26.8 tại Hà Nội. Theo đó, khi sản xuất ra những chiếc bánh mì thanh long, điều Công ty ABC Bakery muốn chính là giải cứu cho loại nông sản này chứ không chỉ là câu chuyện lợi nhuận. Ông Sơn cũng nhắc đến việc Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk) ủng hộ các sản phẩm sữa cho các bệnh viện, Công ty Vũ Trụ Xanh sáng chế ra ATM gạo… “Đó chính là những ví dụ cụ thể, gần gũi nhất để chứng minh cho sức mạnh của VHDN khi dịch bệnh hoành hành vừa qua”, PGS-TS Bùi Hoài Sơn nói.

Người dân mua bánh mì thanh long

Giang Vũ

Bà Ngô Thị Minh Nguyệt (Bộ VH-TT-DL) lại nhắc tới VHDN thể hiện qua nhiều cách khác nhau. Bà Nguyệt đặc biệt hứng thú khi chia sẻ về

Ngày phụ huynh FPT Software. Trong ngày này, bố mẹ của các nhân viên FPT Software được hướng dẫn tham quan nơi làm việc, gặp lãnh đạo trực tiếp của con mình, nghe giới thiệu về công ty và được lãnh đạo cao nhất bày tỏ lòng biết ơn đối với gia đình vì sự đóng góp của con em họ cho sự phát triển của FPT. Đơn vị này cũng có Ngày đi làm cùng bố mẹ. Vào ngày đó, các bé sẽ được lựa chọn lĩnh vực của công ty để tham gia trải nghiệm các công việc.

Tập trung vào những “rễ cây” của VHDN

PGS-TS Dương Thị Liễu, Hiệp hội VHDN, nêu thực trạng nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ VN chưa hiểu sâu sắc về VHDN. Do đó, họ không tập trung vào những “rễ cây” của VHDN, đó là sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi mà sa đà vào hoạt động bề nổi, chỉ nhìn vào “lá cây”. “Rất nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, chỉ cần in mấy cái băng rôn, treo vài cái khẩu hiệu, gắn vài cái tranh ảnh sinh hoạt tập thể, ghi mấy câu châm ngôn có cánh theo ý thích của mình gắn lên tường là có thể gọi đó là VHDN. Số khác cho rằng, chỉ cần cho nhân viên đi nghỉ mát định kỳ hằng năm, ủng hộ nơi khó khăn nào đó một ít tiền, gửi lẵng hoa cho khách hàng vào ngày sinh nhật, chụp ảnh và công bố các hoạt động đó lên trang web thế là yên tâm đã xây dựng xong VHDN”, bà Liễu phân tích.

Theo PGS-TS Liễu: “Với nguồn ngân sách hạn hẹp, doanh nghiệp dường như ít quan tâm tới vấn đề xây dựng và phát triển VHDN mà quên mất rằng có rất nhiều phương cách để phát triển văn hóa mà không phải tốn nhiều tiền, như trao cho nhân viên cơ hội được học tập và nâng cao kỹ năng tay nghề, tổ chức các bữa ăn, uống cà phê tại công ty, lãnh đạo giao tiếp mở với nhân viên…”.

PGS-TS Nguyễn Toàn Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng muốn xây dựng VHDN cần chú ý các vấn đề sau. Thứ nhất, linh hoạt, thích ứng nhưng vẫn phải tuân thủ pháp luật. Thứ hai, linh hoạt thích ứng nhưng không vi phạm tầm nhìn tốt đẹp của doanh nghiệp. Thứ ba, linh hoạt, thích ứng, nhưng phải phòng ngừa thói tùy tiện, láu cá, “tham bát, bỏ mâm” trong kinh doanh, sản xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.