Tiên Lãng phải sửa sai như thế nào?

19/02/2012 03:56 GMT+7

Kết luận về vụ cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Thủ tướng yêu cầu TP.Hải Phòng làm thủ tục cho ông Vươn sử dụng đất theo đúng quy định của luật Đất đai. Việc này sẽ được thực hiện như thế nào?

GS-TSKH Đặng Hùng Võ (ảnh), nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường đã trao đổi với PV xung quanh nội dung này.

Thưa ông, căn cứ quy định luật pháp, việc giao và cho thuê đất đối với gia đình ông Vươn nên thực hiện như thế nào?

Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: (1) Quyết định (QĐ) số 447/QĐ-UB ngày 4.10.1993 của UBND H.Tiên Lãng (giao 21 ha đất) là phù hợp với quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm ban hành; (2) QĐ 220/QĐ-UB ngày 9.4.1997 của UBND H.Tiên Lãng (giao bổ sung 19,3 ha đất) là đúng thẩm quyền và phù hợp với thực tế sử dụng đất nhưng không đúng với quy định của pháp luật đất đai về giao đất, cho thuê đất, về thời hạn giao đất và thời điểm tính thời hạn giao đất.

Khi QĐ 447 là đúng, thì hết thời hạn giao đất ghi trên QĐ phải chuyển sang chế độ cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm được quy định tại điều 80 (đất bãi bồi ven sông, ven biển) của luật Đất đai 2003. Tức là nay phải làm thủ tục chuyển sang thuê đất. Thời hạn cho thuê đất sẽ do luật Đất đai mới dự kiến sẽ được Quốc hội ban hành trước ngày 15.10.2013.

Khi QĐ 220 là sai về giao đất, cho thuê đất, về thời hạn giao đất và thời điểm tính thời hạn giao đất, thì phải áp dụng quy định của pháp luật tại thời điểm 19.4.1997 để sửa đổi lại QĐ đó. Tại thời điểm này, việc giao đất, cho thuê đất bãi bồi ven sông, ven biển được thực hiện theo quy định tại QĐ 773-TTg ngày 21.12.1994, trong đó quy định hạn mức giao đất cho hộ gia đình, cá nhân là từ 3 ha tới 10 ha, không có hình thức thuê đất và không nói về thời hạn, có nghĩa là thời hạn 20 năm được tính theo quy định chung của Nghị định số 64-CP ngày 27.9.1993 từ ngày ban hành QĐ giao đất.

Vấn đề chỉnh sửa lại nội dung QĐ 220 được tập trung vào 2 điểm: một là sửa đổi lại hình thức sử dụng đất - giao đất hay cho thuê đất; hai là thời hạn sử dụng đất được tính tới khi nào. Khoản 4 điều 80 của luật Đất đai 2003 quy định "Hộ gia đình, cá nhân đã được nhà nước giao đất bãi bồi ven sông, ven biển thì được tiếp tục sử dụng theo thời hạn giao đất còn lại". Như vậy, sau khi sửa đổi lại thời hạn giao đất 20 năm tính từ 19.4.1997 thì tới 19.4.2017 toàn bộ diện tích 19,3 ha này phải chuyển sang thuê đất.

Cũng có ý kiến cho rằng QĐ 220 giao đất là sai nên phải chuyển sang thuê đất ngay từ khi phát hiện hình thức giao đất là sai. Có một điều cần cân nhắc là không có hình thức cho thuê đất trong QĐ 773-TTg, nên không thể chỉnh sửa lại hình thức giao đất thành hình thức cho thuê đất. 


Ông Đặng Hùng Võ - Ảnh: Ngọc Thắng

Thưa ông, có quan điểm cho rằng việc gia đình ông Vươn cho người khác thuê lại đất đã được giao là trái luật, có thể sẽ bị thu hồi?

Nói như vậy là không đúng. Bởi luật Đất đai 1993 và luật Đất đai 2003 đều cho phép hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất, thì có quyền cho thuê đất. Như vậy, việc ông Vươn cho thuê đất đã được giao để sử dụng đúng mục đích được giao là phù hợp pháp luật.

Nếu đất ông Vươn sử dụng là đất thuê của nhà nước, mà cho thuê lại, thì mới trái pháp luật. Vì quyền cho thuê lại đất ở nước ta chỉ được áp dụng đối với đất thuê của nhà nước để xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.

 Ở Tiên Lãng cũng có nhiều hộ dân được giao đất nuôi trồng thủy sản chỉ hơn 10 năm, nhưng theo quy định phải là 20 năm. H.Tiên Lãng cũng đã ra quyết định thu hồi đất với nhiều hộ này, vậy nên giải quyết như thế nào?

Về mặt pháp lý, đây là một vấn đề phức tạp. Một QĐ hành chính sai thì người dân có quyền khiếu nại trong thời hiệu cho phép. Nếu người dân có khiếu nại trong thời hiệu cho phép, thì còn dựa vào thời điểm ban hành QĐ sai đó vào thời điểm nào? Quá trình giải quyết khiếu nại ở cơ quan hành chính và ở tòa án như thế nào, còn thời hạn giải quyết hay không? Người khiếu nại có đồng ý với quyết định giải quyết cuối cùng hay không? Tóm lại, không có cách thức giải quyết chung, mà tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể để giải quyết.

Còn về mặt đạo lý, khi Tiên Lãng hoặc một địa phương nào khác thấy được những quyết định của mình là sai sau khi nghe kết luận của Thủ tướng Chính phủ, thì cần tìm một giải pháp chung sao cho bảo đảm được quyền lợi của người dân đã bị thiệt thòi do QĐ sai của mình gây ra.

Nếu đất đã thu hồi sai, mà chưa giao cho ai, vẫn do xã quản lý, thì nên làm thủ tục giao lại cho người đã bị thu hồi. Nếu đất đã giao cho người khác, thì nên tìm đất khác tương đương do xã quản lý, để giao cho người đã bị thu hồi sai.  

Hoàng Anh
(thực hiện)

>> Vụ cưỡng chế đầm ở Tiên Lãng: Sở TN-MT Hải Phòng từng “phớt lờ” chỉ đạo của thành phố
>> Kiểm điểm các thẩm phán về vụ Đoàn Văn Vươn
>> TAND tối cao tuyên hủy bản án trong vụ ông Đoàn Văn Vươn
>> TAND Tối cao ra phán quyết về vụ ông Đoàn Văn Vươn
>> Tòa án 2 cấp vi phạm nghiêm trọng trong vụ Đoàn Văn Vươn
>> Vụ cưỡng chế trái luật ở Tiên Lãng (Hải Phòng): Đình chỉ công tác bí thư và chủ tịch xã
>> Đình chỉ công tác Chủ tịch UBND xã Vinh Quang
>> Vận dụng tình tiết giảm nhẹ ở vụ Tiên Lãng như thế nào?
>> Hải Phòng lập tổ công tác thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.