Phát biểu trong hội thảo tại TP.HCM ngày 19.1, tiến sĩ Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), nêu sự cần thiết ban hành luật Nhà giáo và định hướng, quan điểm xây dựng luật cùng các chính sách cơ bản đề xuất trong luật Nhà giáo.
Trường hợp không được đăng ký tuyển dụng nhà giáo
Hội thảo đã công bố 5 đề xuất chính sách của Bộ GD-ĐT được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết 95 năm 2023. Đáng chú ý là những đề xuất liên quan trực tiếp đến công việc của nhà giáo, tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo.
Theo chính sách được đề xuất, quy định công tác tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc phù hợp với đặc trưng hoạt động và yêu cầu nghề nghiệp đối với nhà giáo. Dự kiến khắc phục một số vướng mắc trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo hiện nay đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, tăng cường phân cấp cho các cơ quan chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực và cơ sở giáo dục.
Cụ thể, dự kiến việc tuyển dụng nhà giáo phải căn cứ vào nhu cầu công việc, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, quỹ tiền lương, chế độ làm việc, định mức số lượng người làm việc theo quy định và kế hoạch xây dựng đội ngũ nhà giáo của cơ sở giáo dục bảo đảm cơ sở giáo dục có đủ nhà giáo giảng dạy theo đúng chuyên ngành đào tạo.
Để được đăng ký tuyển dụng, phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Có đơn đăng ký dự tuyển, có sơ yếu lý lịch rõ ràng, đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng các điều kiện đặc thù theo yêu cầu công việc nhưng không được trái các nguyên tắc tuyển dụng.
Đồng thời, quy định các trường hợp không được đăng ký tuyển dụng như: mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của tòa án, đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc…
Nhà giáo được nghỉ hè 8 tuần thay cho nghỉ hàng năm?
Liên quan đến chế độ làm việc, theo chính sách được Bộ GD-ĐT đề xuất, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo được thể hiện thành chế độ làm việc đối với nhà giáo từng cấp học, trình độ đào tạo và được quy đổi đảm bảo thời giờ làm việc 40 giờ/tuần. Trong đó, thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo (kể cả nhà giáo giữ chức vụ quản lý) bao gồm: nghỉ hè 8 tuần thay cho nghỉ hàng năm theo quy định của bộ luật Lao động. Việc bố trí 8 tuần nghỉ hè hàng năm do cơ sở giáo dục quy định trong kế hoạch giáo dục hàng năm phù hợp điều kiện cơ sở giáo dục. Nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương và các ngày nghỉ khác theo luật Bảo hiểm xã hội, bộ luật Lao động.
Giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi. Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo khác thực hiện theo quy định của bộ luật Lao động và pháp luật chuyên ngành có liên quan; nhà giáo có thể nghỉ hưu trước tuổi hoặc kéo dài thời gian làm việc theo quy định của Chính phủ. Cơ sở giáo dục có thể ký hợp đồng lao động với người hưởng chế độ hưu trí nếu đơn vị có nhu cầu và người hưởng chế độ hưu trí có nguyện vọng.
Tiền lương, phụ cấp của nhà giáo dự kiến được quy định ra sao?
Đáng chú ý, chính sách về tiền lương của nhà giáo được Bộ GD-ĐT đề xuất sẽ bao gồm tiền lương, phụ cấp và các chế độ khác (nếu có). Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tiền lương và các chính sách theo lương cho nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục ngoài công lập và cơ sở tự chủ "không ít hơn" nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở công lập.
Ngoài ra, Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ, nhà giáo công tác ở vùng khó khăn, nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy trẻ khuyết tật, nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số, nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật; có chính sách thu hút đối với người có tài năng để trở thành nhà giáo. Nhà nước có chính sách thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài ở vùng khó khăn.
Bình luận (0)