Chênh lệch xảy ra ở các nhóm ngành nghề
Ông Tim De Mayer, chuyên gia cao cấp của ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương về Tiêu chuẩn lao động quốc tế, cho hay mức chênh lệch lương theo giới đã giảm xuống trong thời kỳ khủng hoảng vừa qua ở hầu khắp các nước trên thế giới. Việt Nam nằm trong nhóm một số ít quốc gia có mức chênh lệch gia tăng - tăng gần 2% trong giai đoạn 2008 - 2011 so với 1999 - 2007. Hiện, chênh lệch trong trả lương giữa nam và nữ tại Việt Nam vào khoảng 15%.
|
Bà Nguyễn Kim Lan, điều phối viên Dự án Quốc gia về giới và việc làm của ILO tại Việt Nam cho biết thêm, khoảng cách chênh lệch tiền lương giữa nam và nữ xảy ra ở tất cả các nhóm, tham chiếu về trình độ chuyên môn, sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng, đại học, trên đại học. Nếu so sánh trên 3 khu vực kinh tế, nhà nước, ngoài quốc doanh và có đầu tư hợp tác nước ngoài, cả 3 khu vực đều có chênh lệch về lương theo giới. “Đáng chú ý là ở khối doanh nghiệp đầu tư hợp tác nước ngoài, tập trung lực lượng lao động (LĐ) nữ lớn hơn, nhưng thu nhập của nữ thấp hơn. Điều đó chứng tỏ, LĐ nữ dù là số đông, nhưng thường ở vị trí công việc kém hơn nên tiền lương trung bình thấp hơn. Chia theo 21 nhóm ngành nghề, có tới 19 nhóm ngành nghề lương nữ giới thấp hơn. Chỉ có 2 nhóm nghề bằng nhau là vận tải và kho bãi, LĐ giúp việc gia đình”, bà Lan cho biết.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, đánh giá LĐ nữ có độ cần cù, chịu đựng dẻo dai, tính kỷ luật hơn LĐ nam. Song, có một sự phân biệt khác đó là mức lương của nữ thường thấp hơn nam. Theo ông Thành, phần lớn LĐ nam có thể chịu đựng môi trường làm việc nặng nhọc nhưng không chịu làm việc ở những nơi có mức lương quá thấp. Ngược lại, LĐ nữ thường là đối tượng nhắm đến của những nhà tuyển dụng muốn có chi phí nhân công thấp. Đây là nguyên nhân khiến phụ nữ dễ rơi vào tình trạng bị bóc lột sức LĐ và dễ bị tổn thương.
Bà Lan chia sẻ: “Phụ nữ gánh một khối lượng công việc nặng nề hơn do phải đảm trách cả công việc được trả lương và không được trả lương tại gia đình. Họ có ít cơ hội việc làm hơn và thường tập trung ở các vị trí công việc hoặc khu vực ngành nghề có mức lương thấp. Điều này dẫn đến các cơ hội nghề nghiệp của họ không bằng nam giới và thu nhập của phụ nữ thường thấp hơn nam giới. Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị, thậm chí cả doanh nghiệp nhà nước không muốn nhận LĐ nữ vì định kiến cho rằng phụ nữ thường dành thời gian ưu tiên cho gia đình hơn là cho công việc. Phụ nữ cũng thường bị ngắt quãng thời gian phấn đấu hoặc thời gian làm việc vì mang thai, sinh con và nuôi dưỡng con cái.
Các chuyên gia ILO chỉ ra rằng, chênh lệch về thu nhập theo giới khiến phụ nữ gặp nhiều thiệt thòi, trong đó tác động tiêu cực đến tất cả các cơ hội học tập, đào tạo và thăng tiến trong suốt cuộc đời LĐ, bao gồm cả tuổi nghỉ hưu. Về hưu trước nam 5 năm cũng đồng nghĩa với việc lương hưu của LĐ nữ thấp hơn so với lương hưu của LĐ nam khoảng 2 bậc.
Lãng phí tiềm năng to lớn
Theo tiến sĩ Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam), phụ nữ là những người năng động, thông minh và không thua kém nam giới, những nhiệm vụ được giao họ đều hoàn thành tốt. Phụ nữ hiện nay chỉ thua kém nam giới ở lao động cơ bắp cần thể lực còn các lĩnh vực khác thì không thua kém. Vì vậy, nếu như có sự trả lương bất bình đẳng, người LĐ mất đi sự khuyến khích động viên, họ không còn động lực muốn tham gia vào thị trường LĐ. Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó trưởng ban Đối ngoại Quốc hội, bày tỏ: đáng tiếc cho Việt Nam, nhân lực Việt Nam, cho bộ máy nhà nước, không phát huy tận dụng chị em có đầy đủ năng lực, đầy đủ sức khỏe, cống hiến thời kỳ có đóng góp ở những vị trí trách nhiệm cao chuyên môn cao.
Ông Tim De Mayer khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện điều khoản “trả lương bình đẳng cho các công việc có giá trị ngang nhau” quy định trong bộ luật Lao động. Chỉ khi có thể so sánh thu nhập giữa phụ nữ và nam giới khi họ làm những công việc khác nhau, chúng ta mới có thể thấy rõ rằng phụ nữ phải chịu mức thu nhập thấp hơn bởi giới tính của họ thay vì bản chất của công việc.
Thu Hằng
>> Luẩn quẩn tiền lương
>> Tháng 4.2012 sẽ trình T.Ư đề án cải cách tiền lương
Bình luận (0)