'Tiền mua nhà, du học cũng nên được trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân'

25/11/2024 21:24 GMT+7

Chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, các khoản như tiền mua nhà, vay mua nhà, tiền đầu tư cho con cái học hành, tiền khám chữa bệnh... nên được trừ vào chi phí trước khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Điều chỉnh giảm trừ gia cảnh kiểu "nước lên thuyền lên"

Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Theo Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành đã được áp dụng từ năm 2020 đến nay, cần đánh giá lại để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện mới.

'Tiền mua nhà, du học cũng nên được trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân'- Ảnh 1.

Thời gian qua có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu cho phép người nộp thuế được trừ một số khoản chi trong năm ở mức độ phù hợp như các khoản chi phí về y tế, giáo dục trước khi tính thuế

ẢNH: NGỌC THẮNG

Mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với sự biến động của giá cả, sự gia tăng mức sống dân cư cũng như dự báo cho thời gian tới.

Trao đổi với Thanh Niên ngày 25.11, đánh giá nhiều nội dung Bộ Tài chính đưa ra trong dự án luật còn mang tính định tính, chuyên gia về thuế Nguyễn Ngọc Tú nhấn mạnh, cần gia tăng tính định lượng, cụ thể, rõ ràng hơn.

Về nội dung giảm trừ gia cảnh, nên bỏ ngay quy định khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020) thì chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

"Với mức giảm trừ gia cảnh nên giao cho cơ chế tự điều chỉnh, nước lên thì thuyền lên. Ví dụ, có thể đưa ra quy định mức giảm trừ gia cảnh được tính bằng 4 lần lương tối thiểu vùng. Mức lương này hiện tại chia theo vùng, tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM đang ở mức gần 5 triệu đồng/tháng. Nếu mức này tăng lên thì mức giảm trừ gia cảnh tự động tăng lên, không cần xin ai, không cần trình", ông Tú nói.

"Không lý gì chi phí thực tế lại không tính vào giảm trừ"

Nhằm góp phần giảm gánh nặng thuế cho người nộp thuế, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo vào diện được giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân; nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác.

Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành đã quy định về giảm trừ cho bản thân người nộp thuế, giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mà người nộp thuế phải nuôi dưỡng. Luật cũng quy định không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...

Bộ Tài chính cũng đề cập, có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu cho phép người nộp thuế được trừ một số khoản chi trong năm ở mức độ phù hợp như các khoản chi phí về y tế, giáo dục trước khi tính thuế.

Khẳng định cần thiết rà soát, nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác trước khi tính thuế cho cá nhân người nộp thuế, song theo Bộ Tài chính, phạm vi các khoản chi được giảm trừ, mức độ được giảm trừ đối với các khoản chi cần phải được cân nhắc, tính toán phù hợp để vừa đạt được mục tiêu đề ra nhưng cũng không làm giảm vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân dưới phương diện là một công cụ điều tiết thu nhập, thực hiện phân phối lại.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận: "Mức giảm trừ khi tính thuế phải dựa vào đời sống thực tế của người dân, không có lý gì các chi phí thực tế cho cuộc sống lại không tính vào. Các nước xung quanh họ hiện đại hơn, tính giảm trừ cả những chi phí như ốm đau, bệnh tật, nuôi con ăn học. Chi phí hợp lý thì phải giảm trừ cho người dân.

Nội dung sửa đổi Bộ Tài chính đưa ra cũng đề cập tới bổ sung giảm trừ các chi phí nuôi con ăn học, khám chữa bệnh trước khi tính thuế thu nhập cá nhân… Điều đó là tiến bộ, nên học hỏi các nước, để người đóng thuế cũng cảm thấy hợp lý".

Trong khi đó, ông Tú đặc biệt nhấn mạnh, luật mới phải đảm bảo tính chất thuế thu nhập cá nhân là doanh thu trừ đi chi phí thực tế, thu nhập còn còn lại mới bị đánh thuế.

Phải đưa những chi tiêu cơ bản của người nộp thuế trừ vào chi phí gồm: tiền mua nhà, vay mua nhà; tiền viện phí, khám chữa bệnh cho người nộp thuế, cho người phụ thuộc của người nộp thuế; tiền đầu tư cho con cái học hành.

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, người nộp thuế mua nhà lần đầu tiên sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân trong 3 - 5 năm. Trường hợp người đó mua nhà trả góp thì tiền lãi vay ngân hàng được trừ vào chi phí tính hết vòng đời người nộp thuế.

"Tôi đề nghị người lao động mua nhà mà có hóa đơn, chứng từ đầy đủ phải được trừ vào chi phí trước khi tính thuế. Mua nhà người dân đều phải tích lũy nhiều năm, mua một căn chung cư ở Hà Nội hiện nay tối thiểu cũng 5 tỉ đồng, nếu được tính trừ vào chi phí thì người dân không bao giờ phải nộp thuế thu nhập cá nhân", ông Tú nói.

Các khoản chi khác được ông Tú đề cập cũng nên tính vào chi phí là đầu tư cho con cái học hành, kể cả đi du học. Đó là khoản đầu tư cho tương lai, nếu có chứng từ đầy đủ phải được trừ trước khi tính thuế.

Khoản tiền quan trọng thứ ba theo vị chuyên gia phải được trừ trước khi tính thuế thu nhập cá nhân là tiền viện phí, khám chữa bệnh cho người nộp thuế, cho người phụ thuộc người nộp thuế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.