Ngoài việc giảng dạy tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh (sinh năm 1981) theo đuổi ước mơ tạo dựng một cộng đồng đọc sách trong tương lai, bắt đầu từ việc rèn luyện thói quen, hứng thú và kỹ năng đọc cho trẻ em. Chị đã bắt tay thực hiện ước mơ của mình từ 7 năm về trước. Cho đến nay, chị đã phần nào thực hiện được ước mơ của mình qua dự án Sách ơi mở ra.
“Dụ” các bé đọc sách là thử thách
Trong quá trình giảng dạy tại trường, Ngọc Minh nhận thấy các sinh viên ngày càng ít đọc sách hơn. Trong một lần được người bạn nhờ hướng dẫn cho một nhóm học sinh đọc sách hằng tuần, Ngọc Minh nảy ra ý tưởng về dự án dài hơi để phát triển văn hóa đọc nơi các em nhỏ.
“Tôi hy vọng dự án sẽ khơi dậy thói quen, hướng dẫn trẻ kỹ năng đọc sách, kết nối các tổ chức quan tâm đến việc đọc của trẻ em để tạo nên một cộng đồng đọc sách, lan tỏa giá trị của việc đọc sách, đồng thời mang đến cơ hội đọc sách cho những trẻ em khó khăn”, Ngọc Minh cho biết.
Ban đầu, số sách trong thư viện Sách ơi mở ra ở Hà Nội phần lớn là những cuốn sách thiếu nhi mà chị có trong nhà. Chị Minh có một sở thích đặc biệt là tích trữ sách. Khi có sách hay và mới ra, chị mua làm của riêng, tích lũy lại để dành cho hai con trai. Sau đó, thấy chị mở thư viện, bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô, các phụ huynh, sinh viên, các nhà xuất bản cũng gửi tặng. Cả những người ở rất xa và không hề quen biết cũng mang rất nhiều sách đến tặng.
|
|
Để làm thẻ thư viện và có thể đọc sách tại chỗ hay mượn sách về nhà miễn phí, các em nhỏ sẽ phải mang đến thư viện 3 cuốn sách hay mà mình đã đọc. Đây cũng là một nguồn bổ sung rất lớn cho thư viện. Chỉ cần mang đến 3 cuốn sách, nhưng các em có thể được đọc hơn 1.000 cuốn sách hay có trong thư viện. Ngoài ra, dự án còn thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, cho các em có cơ hội được tới thăm những di tích lịch sử, văn hóa, để hiểu thêm về đất nước mình, dưới sự hướng dẫn của giáo sư sử học Lê Văn Lan. Những hoạt động này cũng có tác dụng kích thích trí tò mò của trẻ, từ đó lại giúp trẻ có hứng thú hơn với việc đọc. Đồng thời, sau mỗi chuyến đi, mỗi bạn sẽ nhận được một món quà là một cuốn sách hay do chính tay giáo sư Lê Văn Lan ký tặng.
Việc “dụ” các bé đến thư viện và đọc sách thật sự là một thử thách với các thành viên của dự án. Một trong những cách thú vị mà Sách ơi mở ra để kích thích việc đọc của các bé là nhật ký đọc sách. Đây sẽ là nơi để các em ghi lại hành trình đọc sách của mình, bao gồm những cảm nhận về quyển sách mà các em đọc được. Với mỗi quyển sách đọc được, các em sẽ nhận được một con tem. Với nhiều con tem, các bé sẽ có nhiều quyền lợi hơn khi ghé thư viện đọc sách.
|
|
Mong muốn lan tỏa nhiều hơn
Chị Ngọc Minh chia sẻ: “Để có thể thực hiện những ý tưởng của mình, tôi cần có một kế hoạch dài hơi, bài bản để có thể hướng dẫn trẻ trong một thời gian dài, thay vì những hoạt động bề nổi, mang tính thời vụ. Bởi để hình thành nên thói quen và kỹ năng không phải là việc có thể thực hiện một sớm một chiều, mà cần phải đi đường dài. Vì vẫn phải dạy ở đại học, phải chu toàn gia đình nên tôi phải tính toán làm thế nào để có thể cân bằng được thời gian cho các hoạt động của dự án. Rất may là thư viện ở gần nhà, gần trường của con, tôi dễ dàng thu xếp mọi thứ về một mối hơn. Thư viện cũng chính là nơi để con tôi có thể học hỏi tất cả những thứ con cần. Vì thế, chính tôi cũng được hưởng lợi rất nhiều từ ý tưởng mà mình tạo ra. Đôi khi, chính trong tình thế khó khăn, ta lại tìm ra giải pháp”.
|
Tiến sĩ 8X cho biết rất muốn có thêm nhiều thư viện nữa ở gần các khu dân cư, những thư viện thân thiện mà trẻ có thể đến bất cứ lúc nào, đọc bất cứ cuốn sách nào chúng thích.
“Tôi muốn dành thời gian để hoàn thiện chương trình dạy kỹ năng đọc cho tất cả các độ tuổi. Khi tất cả mọi thứ đã hoàn tất, tôi cũng rất muốn chuyển giao kinh nghiệm của mình và nhân rộng mô hình ở những thành phố khác. Tôi biết rằng ở đâu cũng có những nhân tố rất tích cực, có thể cùng tôi lan tỏa việc đọc sách trong cộng đồng. Với dự án này, điều tôi muốn chia sẻ nhất chính là sách ơi mở ra, hãy để cho mọi quyển sách được mở ra. Bởi vì khi sách mở ra, bạn sẽ thấy trong đó là cả một kho báu”, chị Ngọc Minh bộc bạch.
Đến nay, dự án đã thu hút khoảng 500 học sinh Hà Nội tham gia các câu lạc bộ đọc sách. Thư viện của Sách ơi mở ra có hơn 400 thành viên thường xuyên lui tới hằng tuần. Trong năm 2016, dự án đã tổ chức được 15 đợt tập huấn ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hà Giang, Kiên Giang cho gần 1.000 giáo viên về kỹ năng hướng dẫn các em đọc sách. Dự án xây dựng được 2 thư viện nhỏ tại Hà Nội, hỗ trợ được 3 tủ sách cho các địa phương khó khăn hơn, phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức được hơn 50 sự kiện về văn hóa đọc cho phụ huynh, trẻ em và cộng đồng.
|
Bình luận (0)