|
Chia sẻ những lênh đênh trong sự nghiệp đời mình, ông nói, trời sinh ra tôi là để giúp người khác đi tìm sứ mệnh.
Hành trình “tôi tìm lại chính tôi”
Dù sớm gặt hái được những thành công khi mới bước vào đời nhưng hóa ra con đường lập nghiệp của tiến sĩ (TS) Phan Quốc Việt lại khá long đong. Ông bảo: “Mẹ tôi sinh tôi ra lần đầu tiên năm 1954, còn tôi lại sinh ra tôi lần hai năm 1998 - khi tôi tìm ra sứ mệnh của chính mình”.
|
Xuất thân từ tỉnh lẻ nghèo khó khiến Phan Quốc Việt luôn mang mặc cảm tự ti. Hồi đó ông thích học toán nhưng lại tự cho là mình không đủ khả năng để trở thành một nhà toán học nên ông chọn ngành cơ khí chế tạo máy - một ngành học được cho là thời thượng của thập niên 1970. Được nhà nước cử đi học ngành chế tạo máy dệt ở Tashkent, thủ đô nước Cộng hòa Uzbekistan thuộc Liên bang Xô viết, ông tự thấy rất mãn nguyện. Một năm học dự bị tiếng Nga ở Tashkent, ông sợ bị đuổi về nên cố gắng “cày” tiếng Nga. Vì vậy, dù xuất phát điểm là số 0 (do khi ở quê không được học tiếng Nga như những bạn đồng lứa ở thành phố), cuối năm ông vẫn đạt kết quả xuất sắc. “Hậu quả” là ông bị điều lên học ở ĐH Tổng hợp Lomonoxov, ngành địa vật lý. Cũng vì mặc cảm tự ti nên, sợ mình không xứng với nơi “toàn những người xuất sắc của thế giới” nên đại sứ quán vận động mấy lần Phan Quốc Việt mới dám khăn gói lên Moscow học. Thời gian học ở ĐH Lomonoxop khiến cho Phan Quốc Việt trở nên tự tin hơn. Sau này, khi quay lại Lomonoxop làm nghiên cứu sinh, ông đăng ký hẳn ngành toán lý vì thích “oai”.
Về nước, TS Phan Quốc Việt làm trong ngành dầu khí. Nhưng ông vẫn luôn chịu một nỗi ám ảnh mơ hồ, dường như mình đang sống lưng chừng, chưa đi đến tận cùng, chưa tìm thấy cái tôi đích thực của bản thân. “Tôi là một người thích sáng tạo, lại hoạt ngôn, nên ai cũng nghĩ làm kinh doanh là hợp, làm chính trị cũng được. Ban đầu tôi cũng tưởng vậy. Về sau mới ngộ ra rằng sáng tạo hay hoạt ngôn cũng chỉ là những giá trị cốt lõi của bản thân. Nó giúp tôi làm việc thuận lợi trong một số nghề nhưng nó không giúp tôi nhận ra được sứ mệnh bản thân mình nếu như tôi không suy nghĩ, trăn trở và đi tìm nó”.
Một cơ duyên đã giúp cho TS Phan Quốc Việt tự thấy mình “được sinh ra lần thứ hai”. Ông kể: “Giai đoạn 1997 - 2002 cuộc đời tôi trải qua nhiều biến cố. Đang là Chánh văn phòng Tổng công ty dầu khí Việt Nam, tôi sang Tổng công ty Hồ Tây làm ủy viên Hội đồng quản trị nhưng chỉ ở đó một thời gian ngắn rồi về làm Giám đốc Công ty dầu khí Hà Nội. Sau đó thì tôi ra ngoài mở Công ty Tâm Việt. Bảo là tôi mất chức cũng được. Mẹ tôi khóc. Người đời thì dị nghị tôi bị kỷ luật nọ kia. Nhưng tôi ra đi rất nhẹ nhàng. Tôi thấy mọi cái diễn ra dường như là định mệnh. Đang từ một người được xe hơi đưa đón, tôi chạy hết nơi này sang nơi khác trong thành phố bằng cái xe Chaly. Đó là khi tôi tìm ra sứ mệnh của chính mình: đi dạy học”.
Sướng là quá trình, không phải là đích đến
Sự nghiệp đi dạy của ông bắt đầu bằng một cách khá khốn khổ. Ban đầu ông thuyết phục các bạn trẻ cho ông được dạy họ miễn phí. Khi mà mức độ hài lòng của người học tăng lên, ông mới bắt đầu thu tiền. Tự ông đi dán tờ rơi, phát tờ rơi quảng cáo cho những lớp học kỹ năng mềm của mình. “Khi thấy tôi đi phát tờ rơi, mọi người bảo, ông là TS kiểu gì mà để cho người ta vứt vào sọt rác thế kia? Nhưng tôi kệ. Có lần tôi còn suýt bị đánh do vào hội thảo của người khác để phát tờ rơi. Đến mời người ta học rồi bị đuổi là chuyện thường”, TS Phan Quốc Việt kể.
Cũng trong năm 2000, TS Phan Quốc Việt đã tổ chức dạy được lớp học có thu tiền đầu tiên. Trung tâm Pháp Việt, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho ông mượn một phòng học nhỏ, lớp có khoảng 5 - 7 em sinh viên. Gọi là thu tiền, nhưng mức phí rất thấp, chỉ là thu cho có. Ngay cả bây giờ, khi mà đi dạy cho doanh nghiệp với mức thù lao một buổi cả ngàn USD, TS Phan Quốc Việt cũng chủ trương lấy học phí của SV rất thấp, thậm chí ông sẵn sàng dạy miễn phí. Nhưng đến năm 2001 ông đã có thể lên lớp dạy cho giảng viên, thậm chí là giáo sư các trường ĐH về kỹ năng giảng dạy hiện đại. Sau đó ông mở Công ty Tâm Việt với slogan “Làm tâm người Việt sáng hơn, nâng tầm người Việt cao hơn”. Hơn chục năm dồn tâm trí và công lao cho công ty, Phan Quốc Việt đã đưa Tâm Việt trở thành một trong những công ty đào tạo kỹ năng mềm nổi tiếng bậc nhất cả nước.
“Chỉ có đi dạy tôi mới thực hiện đúng sứ mệnh của mình. Tôi có thể nói trước cả ngàn người mà không cần micro, tôi có thể miệt mài nói giờ này qua giờ khác mà không biết mệt”, TS Phan Quốc Việt chia sẻ. Theo ông, trời sinh ra vạn vật nhưng mỗi cá thể lại được “thượng đế” trao cho một sứ mệnh để phụng sự cuộc đời. Chẳng hạn ghế là để ngồi, cà phê là để nhấm nháp, xoài để ăn, hoa hồng để cắm/làm nước hoa, rau muống để luộc/xào/nấu canh… “Chẳng ai mang quả cà phê để gọt vỏ làm đồ tráng miệng, không ai rang xoài lên để xay rồi pha nước uống, cũng như chẳng ai mang hoa hồng để luộc lên làm rau ăn”, TS Việt ví von.
Nhưng ông không dạy những kiến thức chung chung mà là dạy con người biết đi tìm sứ mệnh của chính họ. Chỉ qua một khóa học hai ngày thôi nhưng ông đã giúp nhiều người học ngộ ra, sực tỉnh khỏi cõi mê.
“Trước khi đến với tôi, nhiều người không hiểu sứ mệnh là gì. Họ nghĩ sứ mệnh của họ là kiếm tiền nuôi con, hoặc kiếm tiền tiêu cho sướng. Người ta nghĩ sướng là mục tiêu, là kết quả mà không hiểu thực ra sướng là một quá trình. Bao nhiêu người lao vào kiếm tiền rồi khổ sở vì nó trong khi lẽ ra họ phải được sướng trong suốt cả quá trình làm việc nếu họ làm vì sứ mệnh của chính mình. Nếu thực hiện đúng sứ mệnh, anh cứ làm việc, những hoa thơm quả ngọt của cuộc đời sẽ tự tìm đến anh”, TS Phan Quốc Việt chia sẻ.
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng. |
Lê Đăng Ngọc
Bình luận (0)