Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh, nhà khoa học tương tư... rau muống

25/03/2007 23:41 GMT+7

Chào đời tại Huế, tuổi thơ ông cũng như bạn bè trang lứa phải sống trong cảnh đất nước bị tàn phá bởi đạn bom. Nhưng chiến tranh không ngăn được bước chân ông từng buổi đến trường. Ông từng là học sinh giỏi của trường Providence (Huế), Lycee Blaise Pascal (Đà Nẵng) và Lycee Jean Jacques Rousseau (Sài Gòn). Đây cũng là những ngôi trường nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng theo học.

Năm 1970 sang Mỹ du học, theo ngành thạc sĩ cơ khí, đến 1978 ông lấy bằng tiến sĩ khí tượng và môi trường tại Đại học California, phân nhánh Los Angeles. Năm 1981 chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới ra đời. Năm 1982 ông là người tiên phong áp dụng mô hình dự báo thời tiết MM5/72 vào chiếc máy tính mới toanh của không quân Hoa Kỳ.

1. Từng về nước mấy lần nhưng năm nay là năm đầu tiên ông về Việt Nam ăn Tết. Nói vậy nhưng thực ra ông và bà xã cùng nhóm anh em trong nhà là bác sĩ thiện nguyện đã cùng nhau xuyên Việt cho thỏa lòng sau mấy chục năm. Giản dị và tinh tế, vào tiệm cơm nào ở Phan Thiết, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế... ông cũng kêu rau muống, loài rau một thời bị cảnh sát California tịch thu vì nó mạnh mẽ quá, dám tranh sinh các loại rau xứ Mỹ. Cạnh rau muống là nước mắm, món quốc túy mà mỗi lần đi chợ ở Las Vegas là ông mua về để nhấm nháp, nhất là những hôm ngồi lỳ bên máy tính làm dự báo thời tiết trên mạng vnbaolut.com cho 64 vùng ở Việt Nam. Nhắc chuyện rau muống, ông hay trầm trồ, hồi còn ở Cali một bó giá đến 7 USD, nhưng mắc mấy cũng mua do nó có hương có vị của quê nhà. "Bây giờ về Việt Nam thì tha hồ, chỉ ngắm rau thôi đã no hai con mắt rồi. See?". Ông nói bằng tiếng Việt tuy chưa trôi chảy lắm, thỉnh thoảng đệm "see" và "ok" như một thói quen bên Mỹ. Cũng phải thôi, từ nhỏ với những học sinh trường Pháp như ông, tiếng Việt là sinh ngữ phụ, tiếng Pháp là sinh ngữ chính. Đến khi sang Mỹ du học, sinh ngữ chính lại là tiếng Anh nên tiếng mẹ đẻ giọng Huế của ông trở thành vốn quý giấu ở trong lòng. May mà sau đó ông gặp người bạn đời Nguyễn Khoa Diệu Lê, cựu giáo sư trường Trung học Hàm Nghi (Huế) nên mới có điều kiện thường xuyên nói tiếng Việt với bà và ông đã nhờ bà chỉnh sửa các bài viết tiếng Việt đăng trên mạng về các vấn đề khí hậu, môi trường. Cũng liên quan tiếng Việt, mấy hôm về Đà Nẵng, ông đề nghị tôi đưa đi thăm vùng tâm bão Hòa Sơn, nơi trước đó ông và các bạn hữu cựu học sinh Lycce Blaise Pascal đã gửi về gần 5.000 USD nhờ Báo Thanh Niên phối hợp chuyển tận tay đồng bào. Ông đã quan sát, quay phim rất kỹ những ngôi nhà được dựng lên sau bão, đã có cuộc giao lưu bỏ túi với thầy trò trường Trung học Phạm Phú Thứ. Nhiều học sinh không rõ về ông cứ nghĩ TS Trần Tiễn Khanh kiệm lời nhưng thật ra ông có chút khó khăn khi diễn đạt. Nhất là khi có cô giáo trẻ hồn nhiên hỏi: "Có phải do làm hầm đường bộ Hải Vân nên gió bão từ phía Bắc thổi vào mạnh hơn?", hoặc khi một học sinh C'tu nhờ tư vấn: "Thưa tiến sĩ, cần phải trồng loại cây gì để bão thổi qua không ngã?". Hơi bị bí, ông thoáng cười và nói nhỏ với tôi: "Chắc phải trồng cây... trụ điện!". Trong môi trường mọi người đều nói tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của ông phục hồi rất nhanh dù trong đầu đôi khi vẫn tư duy kiểu Mỹ.

2. Là nhà khoa học, tất nhiên ông đi không chỉ để... đi. Hầu như lúc nào ông cũng có việc để nghĩ. Tại miền Trung, ông đã lưu lại khá lâu ở mỗi địa phương để khảo sát thực hiện một số đề tài liên quan mật thiết đến đời sống trên biển và trên bờ của hàng chục ngàn ngư dân từng hứng chịu tổn thất nặng nề trong mùa bão 2006. Ông đã lần lượt tiếp xúc lãnh đạo các tỉnh thành Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận và có được thống kê mới nhất về số tàu thuyền đánh bắt xa bờ từ vài trăm đến cả ngàn cây số. Ông băn khoăn, mỗi chuyến đi biển như vậy gần như những người chồng người cha cắt đứt mọi liên lạc với gia đình. Mỗi lần bão biển, người trong bờ ruột gan như lửa đốt, người ngoài biển coi như phó thác sinh mạng cho biển cho trời. Đã vậy, máy ICOM chỉ liên lạc tốt theo giờ đã hẹn khi trời yên biển lặng. Khi sóng to gió lớn, hai bên chỉ nghe nhau tiếng được tiếng mất, vậy thì họ làm sao nghe tin báo bão được rõ ràng? Ông nghĩ tới đề án điện thoại vệ tinh toàn cầu giá rẻ, người ở đất liền và người trên biển sẽ trò chuyện, nhắn tin SMS bất cứ lúc nào. Không cứ đợi có bão mới gọi cho nhau. Không chỉ nói chuyện tàu thuyền núp gió nơi nào mà những người cha có thể nhắc con học bài, đi ngủ sớm và những người vợ sẽ điện báo tôm mực ở cảng nào được giá nhất để tàu vào bán nóng... Cũng vậy, sau hôm rời vùng tâm bão Hòa Sơn, ông đã hé lộ với chúng tôi về những mẫu nhà sống chung với bão, với nắng nóng nhiệt đới mà ông đã sưu tầm, nghiên cứu suốt năm qua. Ông hy vọng với loại vật liệu mới do mình phát kiến, đang chờ đăng ký bản quyền tại Mỹ và Việt Nam, đồng bào vùng bão sẽ có thể xây lại nhà rẻ hơn, chắc hơn và nhanh hơn với thời gian kỷ lục, một vài ngày xong một căn, kể cả mái lợp kín bưng! Ông đã được ông Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hiện là Phó chánh văn phòng Chính phủ cho một cái hẹn để trình bày các đề án khoa học này.


Ông bà Trần Tiễn Khanh với thầy trò trường THPT Phạm Phú Thứ
3. Vốn là tiến sĩ khí tượng và môi trường, năm qua ông Trần Tiễn Khanh khá quen biết với bạn đọc trong nước qua các bản tin dự báo và các bài phân tích về bão Chanchu, Xangsane, Durian... Ông là Giám đốc Công ty AMI, chuyên dự báo năng lượng gió cho nhiều vùng ở California và Texas. Ông còn là người tham vấn cho ngành năng lượng và dầu lửa Hoa Kỳ. Là chuyên viên siêu máy tính, ông từng soạn phần mềm tự động dịch tiếng Việt cho mạng dự báo vnbaolut.com trên cơ sở phần mềm dịch tốc hành bộ kinh Đại Tạng trong thời gian kỷ lục 28 tiếng đồng hồ mà TS Lê Mạnh Thát và GS - TS Mai Quốc Liên đã họp báo phổ biến rộng rãi tại TP.HCM. TS Trần Tiễn Khanh chia sẻ: "Nếu dịch thủ công bộ kinh Đại Tạng theo cách người xưa, phải mất 12 thế kỷ. Nay việc dịch tốc hành bằng máy tính đã được tôi trình bày tại www.daitangvietnam.com. Tôi soạn phần mềm này chỉ vì thương người anh trai dịch kinh Phật theo cách từng chữ một, từ Hán sang Việt. Công việc của hai anh em thật khó khăn. Hồi những năm 1980 ở Mỹ chưa có nhiều máy tính nói chi tới phần mềm dịch thuật! Tự tôi đi mua từng bộ phận. Từ ổ cứng, ổ mềm đến memory, CPU của nhiều nhà sản xuất khác nhau, không theo một chuẩn nào, rồi tự lắp ráp lấy. Công việc này mất khá nhiều thời gian, chưa kể sau đó phải tự mày mò làm phần mềm dịch từ chữ Hán, Anh, Pháp sang tiếng Việt và ngược lại".

Từng đi giảng ở nhiều trường đại học của Mỹ, TS Trần Tiễn Khanh mong muốn nếu có cơ hội sẽ về nước truyền đạt kiến thức chuyên ngành cho sinh viên Việt Nam. Về lâu dài, người bạn đời của ông tiết lộ: "Nếu được, khoảng 8 năm nữa, chúng tôi sẽ về Việt Nam sinh sống. Nếu dưới chân núi Sơn Trà, chỗ có tượng Phật nhìn ra biển có thể dựng ngôi nhà bằng vật liệu chống bão thì thật tuyệt vời". Còn một điều bà quên, lúc đó TS Trần Tiễn Khanh sẽ không còn tương tư rau muống và bà có thể trồng cây vả Vỹ Dạ để mỗi trưa chấm trái kèm mắm ruốc Mân Quang.

Đ.N.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.