Từng gặp khó khăn trong quá trình nghiên cứu
Năm 2015 anh Khôi đã vinh dự nhận được học bổng VEF (Vietnam Education Foundation). Đây là một chương trình học bổng hợp tác giữa Chính phủ VN và Mỹ, hoạt động từ năm 2003 - 2016. Để đạt được học bổng này, anh Khôi phải trải qua nhiều vòng tuyển chọn rất khắt khe. Anh Khôi được miễn học phí tại ĐH Bang Oregon (Mỹ) và nhận 1,3 tỉ đồng cho chi phí sinh hoạt trong 2 năm học bậc thạc sĩ.
4 năm tiếp theo anh Khôi làm trợ lý nghiên cứu với giáo sư hướng dẫn tại ĐH Bang Oregon và được trả lương để chi trả học phí, sinh hoạt.
"Sau khi tham dự một buổi giới thiệu về học bổng VEF thì mình thấy có hứng thú và chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển vào năm 2014. Sau khi đạt được học bổng VEF mình đã chủ động nộp hồ sơ vào các trường đại học ở Mỹ có đào tạo ngành khoa học máy tính. Nhờ thư giới thiệu từ các giáo sư của chương trình VEF nên mình đã được ĐH Bang Oregon chấp nhận để làm nghiên cứu sinh", anh Khôi kể lại.
Trước khi trở thành một tiến sĩ có nhiều bài báo khoa học chất lượng và hướng dẫn sinh viên, thực tập sinh nghiên cứu AI, anh Khôi từng có thời gian gặp khó khăn. Anh Khôi tự nhận mình không giỏi trong việc tìm đề tài nghiên cứu nên mất rất nhiều thời gian mới có được thành quả đầu tiên. 6 năm du học thì đến năm thứ 4 anh Khôi mới có được bài báo khoa học đầu tiên. Theo anh Khôi bản chất của việc nghiên cứu là tạo ra cái mới, chưa ai tìm được nên đây là một hành trình không dễ dàng đạt được thành quả nếu chưa có đủ kiến thức, kinh nghiệm.
"Nhiều lúc mình rất nản và muốn bỏ cuộc giữa chừng. May mắn là giáo sư hướng dẫn của mình không tạo áp lực phải ra bài sớm mà luôn động viên. Nhờ vậy mà mình cứ "lầm lì" thử nghiệm nhiều hướng khác nhau và cuối cùng cũng có được thành quả. Điều quan trọng nhất là khi đã trải qua nhiều thất bại nên giờ đây mình có thể đưa ra lời khuyên thiết thực cho các sinh viên, thực tập sinh đang gặp khó khăn trong việc nghiên cứu", anh Khôi chia sẻ.
Truyền động lực nghiên cứu AI cho sinh viên, thực tập sinh
Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại ĐH Bang Oregon, Mỹ vào năm 2021, anh Khôi quay về VN làm chuyên gia nghiên cứu AI tại VinAI. Công việc của anh Khôi là đọc, nghiên cứu những bài báo học thuật mới nhất, đề xuất cải tiến hoặc tạo mới các mô hình học máy để giải quyết các bài toán chuyên ngành về thị giác máy tính (một lĩnh vực quan trọng trong AI, chuyên về phân tích và xử lý hình ảnh, video, hoặc dữ liệu 3D) như: AI nhận thức (giúp máy tính hiểu được môi trường xung quanh thông qua hình ảnh, video, văn bản…) và AI tạo sinh (cho phép người dùng nhanh chóng tạo nội dung mới dựa trên nhiều loại dữ liệu đầu vào khác nhau như: văn bản, âm thanh…).
Ngoài ra, anh Khôi còn hướng dẫn các sinh viên, thực tập sinh làm nghiên cứu về AI để tích lũy thêm kinh nghiệm, thành tích… từ đó đủ điều kiện nộp hồ sơ vào chương trình tiến sĩ tại các đại học hàng đầu thế giới có đào tạo lĩnh vực AI. Bên cạnh đó, anh Khôi còn giúp đỡ, tạo cầu nối giữa cộng đồng học thuật trên thế giới và VN thông qua các hội thảo, hội nghị chuyên ngành về AI, học máy và thị giác máy tính. Anh Khôi luôn mang khát khao nâng cao vị thế của VN trong lĩnh vực AI và thị giác máy tính.
"Mình không ngại kể cho sinh viên, thực tập sinh nghe về những thất bại trong quá khứ. Mình hy vọng thế hệ đi sau biết lấy đó làm động lực để cố gắng hơn nữa. Hiện tại mình luôn tự nhắc nhở bản thân phải trau dồi, học hỏi để nâng cấp tư duy, sáng tạo hơn trong sự nghiệp nghiên cứu. Mình nhận thấy sinh viên VN có tư duy, lý luận nhạy bén, nền tảng toán tương đối vững và cần cù, siêng năng. Tuy nhiên, một số bạn vẫn chưa có sự chủ động trong công việc, cách giao tiếp, diễn đạt khoa học chưa tốt, thiếu sự kiên trì, dễ nản khi gặp vấn đề khó", anh Khôi chia sẻ.
Anh Khôi và các sinh viên, thực tập sinh đã xuất bản hơn 17 bài báo khoa học đóng góp tích cực vào sự phát triển trong lĩnh vực AI tại VN. Trong đó bài báo mà anh Khôi tâm đắc nhất là sử dụng mô hình AI tạo sinh tạo ra ảnh và gắn nhãn để làm dữ liệu huấn luyện mà không cần đến thao tác của con người.
"Việc huấn luyện các mô hình học máy cần rất nhiều ảnh và việc gắn nhãn đi kèm. Vì vậy công việc này tốn rất nhiều thời gian, công sức để thu thập và gắn nhãn. Việc tận dụng mô hình AI tạo sinh để tạo ra ảnh và gắn nhãn hoàn toàn tự động giúp việc huấn luyện các mô hình này trở nên tiết kiệm chi phí hơn", anh Khôi chia sẻ.
Anh Trần Tuấn Anh, chuyên viên nghiên cứu cao cấp, trưởng phòng thị giác máy tính tại VinAI, làm việc chung nhóm với anh Khôi hơn 2 năm, nhận xét: "Khôi là người vui vẻ, thân thiện, hòa đồng và luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp. Khôi rất quyết liệt trong công việc, luôn hướng tới chất lượng và hiệu quả cao nhất. Khôi có khả năng nghiên cứu ấn tượng, dựa vào kiến thức nền tảng chắc chắn, sự nhanh nhạy không ngừng cập nhật đổi mới kiến thức, óc logic và tinh thần sáng tạo".
Bình luận (0)