Khi cô phóng viên hỏi lại lần nữa “anh nói gì kinh khủng thế”, TS Vương Quân Hoàng chỉ gật đầu. Bài phỏng vấn 2 trang có tên Thị trường chứng khoán Việt Nam - Sự thịnh vượng trên mây và rủi ro tiềm ẩn sau đó trở thành tiếng nói lạc điệu trong số báo tết 100 trang của một tờ báo kinh tế. Những trang báo còn lại đều dành cho lợi ích và tác động tích cực của thị trường chứng khoán (TTCK), và chỉ những điều tuyệt vời đó mà thôi. Đó là đầu 2007 - TTCK Việt Nam trên “đỉnh cao muôn trượng”.
Dự báo “ném đá” đó đã thành hiện thực rất nhanh, chỉ vài tuần. Sau nhiều lần được đánh giá đã thấy đáy, chỉ số thị trường vẫn liên tục xuống tiếp. Không ai còn dám chắc đâu là đáy nữa.
Ngộ độc nguồn lực
Những “thăng trầm và đột phá” như vậy của kinh tế Việt Nam được mô tả và phân tích nhiều trong các cuốn sách, các bài nghiên cứu công bố quốc tế, mà theo TS Hoàng, “khi đọc chúng sẽ gặp rất nhiều người quen”. Người quen này là những doanh nghiệp, những kiểu kinh doanh thường thấy. Dưới lăng kính của phương pháp luận sáng tạo và khởi nghiệp, một căn bệnh dễ gặp và dễ lây đã lộ diện: “ngộ độc nguồn lực”.
|
“Một cháu gái là bạn của con gái tôi có kể hồi bé do nghịch nên ăn nhầm cả lọ dầu cá vitamin A. Khỏi nói, cháu bị ngộ độc và phải rửa ruột. Đó là cháu bé may, vì còn rửa ruột kịp thời”, TS Hoàng chia sẻ. “Ở Việt Nam có thêm chuyện ngộ độc nguồn lực. Nó có nhiều dạng. 7 tỉ USD vào TTCK không được xử lý đã góp phần gây ra lạm phát bùng nổ 2007-2008 và râm ran thêm nhiều năm sau. Cả tỉ USD vào một Vinashin không biết tiêu tiền, hay nói chính xác là tiêu quá nhanh vào chỗ không cần tiêu đã khiến cho cả nước đau đầu. Hàng tỉ đồng đền bù thu hồi đất đã biến cơ man nào là người dân chăm chỉ trên cánh đồng thành người tiêu dùng bạt mạng, kể cả vào những thứ chẳng phục vụ gì cho hiệu quả nông nghiệp như karaoke và ma túy”.
|
Ngộ độc này xảy ra khi môi trường quá nhiều đầu tư mà năng lực sử dụng đầu tư kém. Chẳng hạn như sự bùng nổ internet. Hiện, chúng ta đã quen với việc có internet ở mọi lúc, mọi nơi. Mọi người đều quên đi rằng phải đến 2004 mới có ADSL giá rẻ. Nhưng khi nguồn lực này dồi dào, rất nhiều người dùng internet vào những việc vô bổ.
“Ở Việt Nam, mấy người sử dụng mạng để phát triển trí tuệ. Hãy nhớ Albert Einstein nói rằng: “Thông tin không phải là tri thức”. Thậm chí người ta còn đối diện với nguy cơ mất sức sáng tạo khi luôn tìm câu trả lời có sẵn chứ không tìm câu trả lời riêng. Đó cũng là một loại ngộ độc nguồn lực”.
“Khi thiếu năng lực sáng tạo thì càng nhiều nguồn lực càng dễ ngộ độc. Hãy nhìn những tập đoàn lớn trước đây và bây giờ. Những thành công của họ đều nhờ nguồn lực lớn. Còn năm nay, những doanh nghiệp lớn sụp đổ đều là những đơn vị trước đó thành công trong giành giật nguồn lực”.
“Tôi nhớ đến câu nói của George Bernard Shaw rằng, cách chắc chắn nhất hủy hoại nhân cách kẻ không biết làm ra tiền là đưa tiền cho hắn tiêu. Chỉ có một cách duy nhất tránh ngộ độc - phát triển nguồn lực sáng tạo”.
Phải hiểu đúng về sáng tạo
Sự yếu kém năng lực sáng tạo, theo TS Hoàng, sẽ còn kéo dài bởi giáo dục vẫn mắc lỗi thiếu thực chất. Văn mẫu, điểm giả, bằng cấp giả… đã khiến “hàng giả” của giáo dục ngày một nhiều. “Mà trí thức có một đặc điểm rất lạ. Không thể dùng mệnh lệnh áp đặt cho trí thức, họ sẽ không nghe. Nhưng nếu đặt đồ giả bên cạnh họ, họ sẽ bị vô hiệu hóa. Khi ấy, hoặc họ sẽ im lặng, hoặc đào ngũ”.
“Chúng ta từng có một nền giáo dục thành tựu, ngay trong lửa đạn vẫn có thành tựu đẹp rực rỡ. Nó biến đi đâu rồi?”, ông hỏi. “Giáo dục phải khuyến khích người ta chinh phục thách thức mới, tiến đến chân lý loài người đang đeo đuổi. Chúng ta từng có những thế hệ như Hoàng Tụy, Hồ Ngọc Đại... Gốc văn hóa và khát khao phục vụ Tổ quốc, cộng với nỗ lực của chính họ để có những người rất ghê gớm như thế”.
Chính vì thế, các thang giá trị lẫn lộn là nguyên nhân để kinh tế, văn hóa cũng như nhiều ngành khác của đất nước chưa thể cất cánh. Trong khi đó, đầu tư khoa học không phải một khoản quá đắt, trừ những ngành công nghệ tiên tiến. Nhìn sang một vài trường ở Malaysia, Indonesia - họ đã đứng ngang với các trường của Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh trong một bảng xếp hạng giáo dục QS 2012. Có được chỉ số như vậy có nghĩa là họ đã bỏ xa mình.
Đã đến lúc chúng ta phải hiểu lại cho đúng về sáng tạo. Cách nhìn thông thường nhất, sáng tạo vẫn hay hiểu là hứng thú bất chợt. “Nhưng chúng ta hôm nay có điện dùng là nhờ kỷ luật công nghiệp kiểu Michael Faraday. Ngày ông mất, nhật ký 40 năm trời làm khoa học được công bố. Tôi nhớ ấn tượng con số - đã có 16.041 thí nghiệm ông làm. Hình dung cứ 3-4 ngày mới chuẩn bị xong một thí nghiệm, vì làm gì có vật liệu sẵn. Cũng phải tưởng tượng ra thí nghiệm đó được làm thế nào bởi đó là địa hạt chưa ai từng bước vào. Phải có một kỷ luật khủng khiếp mới làm được như vậy”.
“Năng lực sáng tạo là cách duy nhất chống được ngộ độc nguồn lực”, TS Hoàng nói. “Vì thế phải hiểu đúng hơn về nó để có thể thực hành đúng được. Chừng nào năng lực sáng tạo chưa phải là một giá trị và trách nhiệm cộng đồng đeo đuổi, việc phát triển xã hội sẽ còn khó khăn”.
Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh. |
Trinh Nguyễn
>> Vũ Tuấn Anh: Xây dựng doanh nghiệp xã hội
>> Vũ Duy Hải: Sáng tạo vì người bệnh
Bình luận (0)