(TNO) Tiền tệ các nước mới nổi lại trượt giá, xuống mức thấp kỷ lục giữa lo ngại về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và sự thiếu chắc chắn của khả năng tăng lãi suất từ Mỹ.
Tiền tệ các nước mới nổi lại sụt giá vì tình hình kinh tế Mỹ và Trung Quốc - Ảnh: Reuters |
Theo CNBC, tiền tệ các nước mới nổi như đồng real của Brazil, rand của Nam Phi, lira của Thổ Nhĩ Kỳ, rupiah của Indonesia hay ringgit của Malaysia lại vừa tiếp tục sụt giá, xuống mức thấp kỷ lục. Một phần lý do cho đợt sụt giảm mới nhất này là phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 24.9 về việc họ vẫn đang trên lộ trình tăng lãi suất trong năm nay.
“Tiền tệ các nước mới nổi đang chịu áp lực nghiêm trọng trước các lo ngại về mức giảm trong tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc và sự thiếu chắc chắn trong chính sách tiền tệ của Mỹ. Ngoài ra, nhiều vấn đề cụ thể của một số nước, chẳng hạn như Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đang đè nặng lên các đồng nội tệ”, Nicholas Spiro, giám đốc hãng Spiro Sovereign Strategy, nhận định.
Đơn cử, đồng rand của Nam Phi giảm xuống mức thấp kỷ lục, 14,0860 rand ngang giá 1 USD. Peso của Mexico chạm đáy 17,3165 peso đổi được 1 USD. Ringgit của Malaysia và rupiah của Indonesia sụt giá về mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Đồng real Brazil thì đã giảm gần 10% trong tháng này và sụt giá 60% trong năm nay trong bối cảnh nước này đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị và chịu đựng một nền kinh tế trượt sâu vào suy thoái. Vấn đề ở Brazil cũng ảnh hưởng lên các thị trường mới nổi khác.
Để ngăn chặn đà giảm, hôm 24.9, Ngân hàng trung ương Brazil đã cảnh báo rằng họ sẽ sử dụng dự trữ ngoại hối của mình để bảo vệ đồng tiền. Nhờ tuyên bố này, đồng real tăng 5% từ mức thấp kỷ lục.
Brazil không phải là quốc gia duy nhất đang phải hành động để chặn đứng đà giảm giá đồng nội tệ. Ngân hàng trung ương Indonesia hôm 25.9 cho biết sẽ công bố các biện pháp mới nhằm tăng thêm nguồn cung đồng đô la Mỹ, hỗ trợ đồng rupiah - bản tệ đã giảm 20% giá trị trong năm nay.
“Tình hình bán tháo tại các nước mới nổi đang khá đáng chú ý và tốc độ ngày càng đáng lo. Từ góc độ kinh tế, tiền tệ yếu là tin xấu đối với các nước có tỷ lệ lạm phát cao hoặc nợ ngoại tệ lớn”, William Jackson, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics tại London (Anh), nói.
Hiện tại, giới phân tích cho biết các nước dễ tổn thương nhất trước tình hình này là Brazil, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ. Mới đây, Ngân hàng trung ương Brazil nâng dự báo lạm phát năm 2016 từ 4,8% lên 5,3%. Một đồng tiền yếu sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu, từ đó kéo giá cả leo thang.
Bình luận (0)