Lương tối thiểu cho dân phu hoặc lính tráng thường là một vuông gạo (khoảng 28 - 30 kg) và một quan tiền (đủ tiêu vặt một tháng, "một quan tiền tốt đi chợ" mua được rất nhiều thứ). Song đồng quan thì nặng nề và cồng kềnh, chỉ dùng trong việc thanh toán nhỏ. Khi phải chi tiêu lớn, người ta dùng lạng vàng hay lạng bạc: lạng bạc là chính (nặng khoảng 37 - 38 gr tương đương với 10 đồng tiền đồng). Mỗi lạng bạc trị giá tùy thời từ 2 - 4 quan. Ngoài ra, Sài Gòn khi ấy có nhiều quan hệ thương mại với nước ngoài, nên đồng bạc Mễ Tây Cơ (ta gọi là bạc phiên hay bạc Con Ó) được phổ biến dùng làm phương tiện thanh toán.
Pháp chiếm Gia Định - Sài Gòn rồi không biết lấy tiền đâu, tiền quan và đồng bạc Con Ó, để trang trải chi phí và các khoản tiếp quản lương thực. Pháp đành phải nhờ Hoa kiều làm trung gian đổi chác giữa các loại tiền franc bằng vàng - bạc để lấy tiền quan và đồng bạc Con Ó. Cuộc khủng hoảng về tiền tệ kéo dài khá lâu. Pháp đơn phương ra quy định ngày 3.9.1863 cho giá: Một nén vàng nặng 1 kg = 3.127,67 franc, một nén bạc nặng 1 kg = 200,70 franc, một quan tiền (ta) = 1 franc.
Quy định đó cũng không giải quyết được khủng hoảng, vì giữa quy định lý thuyết với thực tế thị trường cách xa nhau lắm, lại luôn luôn biến đổi. Hy vọng giải quyết tận căn vấn đề, Pháp ra sắc lệnh ngày 24.6.1874 cho thành lập Ngân hàng Đông Dương (NHĐD) với đặc quyền phát hành tiền tệ.
Ngày 9.3.1878, Pháp cho đúc đồng bạc thương mại (piastre de commerce) có chuẩn tương đương với đồng trade dollar Mỹ cũng đang được lưu hành khi ấy, tức nặng 27,215 gr có độ chuẩn 900/1.000 bạc. Pháp hy vọng đồng bạc thương mại sẽ đánh bạt đồng Con Ó (nặng 27 gr với độ chuẩn 9.027/10.000), nhưng vì thói quen người ta vẫn thích dùng đồng Con Ó hơn.
NHĐD còn được đặc quyền phát hành bạc giấy theo sắc lệnh ngày 21.1.1875. NHĐD liền cho phát hành các loại giấy 1.000 - 500 - 100 - 20 - 5 franc. Việc thanh toán trong xã hội càng thêm phức tạp, vì đồng thời tồn tại nhiều thứ tiền tệ: bạc Con Ó, trade dollar Mỹ, bạc thương mại Pháp, franc Pháp, quan tiền ta...
Năm 1885, NHĐD đúc thêm đồng bạc Xòe (bà đầm xòe tiêu biểu Cộng hòa Pháp) tức bạc thương mại cũ, cùng với bạc lẻ 5 - 2 - 1 hào. 1 hào là 10 xu, một đồng bạc là 100 xu, 1 xu được đúc (khi ấy dùng phương pháp rập rồi) bằng đồng và 5 xu bằng kền. Khi ấy 1 xu ăn được một bữa quà sáng.
Đồng Đông Dương bằng bạc, franc Pháp bằng vàng, nên hối suất luôn thay đổi theo giá vàng - bạc. Sự thay đổi hối suất giữa thuộc địa với chính quốc gây ra nhiều xáo trộn và thiệt thòi cho dân chúng. Chỉ có NHĐD là lợi nhất trong tình huống vô trật tự của nền hối đoái vô cùng phức tạp này.
Sắc lệnh ngày 31.5.1930 (đương thời kinh tế khủng hoảng trầm trọng) bãi bỏ chế độ ngân bản vị của tiền tệ Đông Dương mà chuyển sang chế độ kim bản vị như đồng franc Pháp, tuy vẫn gọi do thói quen là đơn vị đồng bạc. Theo đó 1 đồng bạc Đông Dương nặng 0,695 gr vàng với độ chuẩn 900/1.000 và ăn 10 franc Pháp (cùng trọng lượng và độ chuẩn như trên). Một lần xáo trộn nữa: trên tiền giấy ghi "có thể đổi lấy vàng"!
Năm 1940, đồng franc Pháp từ 0,0695 gr vàng hạ xuống còn 0,02334 gr vàng, tức mất 35/100 trị giá. Khi ấy, NHĐD phải phát hành thêm nhiều tiền giấy và "đình chỉ lệ đổi tiền giấy ra vàng". Như vậy, đồng bạc Đông Dương đã từ bỏ cả ngân bản vị lẫn kim bản vị.
Khối tiền giấy lưu hành tăng lên gần 200 lần từ 1.913 đến 1.951. Các loại tiền giấy 100 đồng (hình cái đỉnh) - 20 đồng - 5 đồng - 1 đồng và các giấy tiền lẻ: 5 hào, 2 hào và 1 hào. Nhiều khi thiếu tiền lẻ, người ta xé đôi tiền giấy nhỏ để thanh toán! Cũng như xưa đã chặt đôi đồng bạc Con Ó!
Tháng 9.1945, quân đội Tưởng Giới Thạch vào bắc Đông Dương để giải giới quân đội Nhật Bản, mang theo một số lớn giấy bạc quan kim và tự tiện quy định hối suất một quan kim ăn 1,5 đồng Đông Dương. Cùng thời gian đó, đội quân viễn chinh Pháp tái xâm nhập Sài Gòn, mang theo nhiều giấy bạc 100 đồng còn hình đỉnh đồng mới in bên Pháp. Pháp cũng định lại hối suất 1 đồng Đông Dương ăn 17 franc (tức 1 USD ăn 7 đồng). Đầu năm 1946, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phát hành loại giấy bạc Cụ Hồ để đổi lấy giấy bạc Đông Dương, vì Pháp không chịu trao trả NHĐD cho phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, NHĐD được coi như chấm dứt nhiệm vụ thực dân đế quốc, sau khi tồn tại đúng 80 năm (1874 - 1954) với bao thăng trầm và sự nghiệp tiêu cực cũng như tích cực - mà cần phải nghiên cứu sâu sắc hơn nữa mới mong rút ra được những bài học bổ ích cho hiện tại và tương lai. (còn tiếp)
(Trích Tạp ghi Việt Sử Địa của cố học giả Nguyễn Đình Đầu do NXB Trẻ ấn hành)
Bình luận (0)