Tiền thu từ xổ số kiến thiết có được xây trụ sở xã?

07/06/2024 10:55 GMT+7

Đại biểu Quốc hội kiến nghị cho phép sử dụng nguồn tiền thu được từ xổ số kiến thiết để đầu tư xây dựng hạ tầng tại địa phương, trong đó có xây, sửa trụ sở UBND cấp xã.

Sáng 7.6, kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc. Các đại biểu thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Tiền từ xổ số kiến thiết chiếm 20 - 30% tổng nguồn thu 

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) cho biết, tại các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nguồn thu từ xổ số kiến thiết đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Có những địa phương, nguồn thu này chiếm 20 - 30% tổng nguồn thu của tỉnh.

Tiền thu từ xổ số kiến thiết có được xây trụ sở xã?- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn

GIA HÂN

Ông Sơn dẫn quy định về việc nguồn thu từ xổ số kiến thiết sẽ chi cho y tế, giáo dục và chương trình mục tiêu quốc gia. Thực tế thời gian qua, một số địa phương có sử dụng nguồn thu này để xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất cho UBND cấp xã, bao gồm xây, sửa trụ sở.

Tuy nhiên, khi thực hiện kiểm toán nguồn ngân sách, kiểm toán nhà nước cho rằng việc chi như trên là không đúng, vì không được sử dụng nguồn tiền từ xổ số kiến thiết để xây dựng trụ sở UBND xã.

Cho rằng nhận định trên là chưa phù hợp, ông Sơn kiến nghị cho phép chi nguồn thu từ xổ số kiến thiết vào các chương trình phát triển địa phương, trong đó có xây dựng nông thôn mới, xây, sửa trụ sở UBND cấp xã.

Ông Sơn nhấn mạnh, tới đây, luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở sẽ có hiệu lực, chính quyền địa phương phải lo nơi làm việc cho lực lượng này. "Nếu không cho sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết thì không còn nguồn nào khác để thực hiện", đại biểu tỉnh Bến Tre nêu.

Giải trình về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, theo quy định hiện hành, nguồn thu từ xổ số kiến thiết không cân đối vào ngân sách mà để lại 100% cho địa phương đầu tư vào các công trình giáo dục, y tế và chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo ông Phớc, tỉnh nào đã bố trí xong cho các công trình giáo dục, y tế thì thứ tự ưu tiên có thể chuyển sang các công trình hạ tầng kỹ thuật khác. Bởi lẽ, những công việc này đều thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của địa phương, ví dụ như xây trụ sở UBND xã.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, việc đầu tư xây dựng trụ sở UBND cấp xã không phải nhiệm vụ của ngân sách T.Ư, nhưng ngân sách T.Ư sẽ cấp gián tiếp thông qua tỉnh, để tỉnh cấp cho địa phương. Cấp địa phương sau đó có trách nhiệm bố trí, quản lý các khoản chi.

Tiền thu từ xổ số kiến thiết có được xây trụ sở xã?- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

GIA HÂN

Lo ngại nợ đọng xây dựng cơ bản

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) bày tỏ lo ngại về tình trạng nợ xây dựng cơ bản đang gia tăng.

Dù cố gắng nhưng nợ xây dựng cơ bản chưa giảm và đã xuất hiện nợ mới. Riêng năm 2022, báo cáo kiểm toán phát hiện thêm hơn 4.000 tỉ đồng nợ xây dựng cơ bản.

Bà Mai cho rằng, nếu không rốt ráo giải quyết thì sẽ phát sinh nợ mới, trong đó có những khoản liên quan doanh nghiệp đầu tư, họ đã "trao niềm tin", vay vốn ngân hàng để làm các dự án đầu tư công.

Nữ đại biểu kiến nghị các cơ quan cần rà soát kỹ lưỡng, kịp thời thanh toán cho doanh nghiệp khi họ có khối lượng hoàn thành.

Vẫn theo bà Mai, nhiều chủ đầu tư chưa thực sự vào cuộc, tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu, dẫn tới tình trạng chưa chú trọng tới xử lý nợ xây dựng cơ bản, trong khi đây là vấn đề cần ưu tiên.

"Ở đây có phần trách nhiệm của các cơ quan Chính phủ, các bộ, ngành liên quan khi đã thiếu kiên quyết, còn nể nang phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư công", bà Mai nhận định và đề nghị phân định rõ trách nhiệm của từng cấp, từ T.Ư đến địa phương.

Trả lời đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, ông Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính có nhiệm vụ tổng hợp các khoản nợ xây dựng cơ bản của các bộ, ngành, địa phương.

Số liệu tổng hợp cho thấy nợ ở bộ, ngành T.Ư rất ít, chủ yếu ở địa phương, nhất là ngân sách tỉnh và huyện.

Lý do, khi bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, các khoản thanh toán cho dự án thì bố trí thiếu, hoặc chưa bố trí. Vì thế, khi bố trí đầu tư công trung hạn cho dự án mới, thì dự án cũ chưa hoàn thành sẽ không được bố trí.

Ngoài ra, có dự án thiếu thủ tục đầu tư nên ngân sách địa phương chưa bố trí kịp thời. Hoặc chủ đầu tư hoàn thành khối lượng công trình, lên phiếu giá công trình nhưng chưa gửi tới UBND các cấp xác định, do đó, chưa được bố trí vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, nên không được bố trí vào kế hoạch vốn hàng năm.

Để khắc phục, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, huyện rà soát lại các khoản trên và cần bố trí vốn trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.