Ngày nay, người ta không còn hoảng sợ khi nghe đến căn bệnh HIV/AIDS như trước đây, bởi y học ngày càng có nhiều phương pháp tiến bộ để khống chế, kéo dài thời gian sống của người bệnh.
|
Nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1.12), ngày 27.11 vừa qua tại Trung tâm truyền thông - giáo dục sức khỏe TP.HCM, TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, người từng có nhiều năm công tác ở Ủy ban Phòng chống AIDS TP, đã nói chuyện với giới truyền thông về “Cách nhìn mới về công tác phòng, chống HIV/AIDS”.
Nhiễm HIV sẽ không còn là “lãnh án tử hình”
Theo TS-BS Lê Trường Giang, kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện trong nước năm 1990, chúng ta phải mất 10 năm đầu để kiềm chế tốc độ phát triển của đại dịch, rồi mất thêm 10 năm để từng bước đẩy lùi đại dịch. Giờ đây, chúng ta đang từng bước tiến tới kết thúc đại dịch.
Ông Giang phân tích, kết thúc đại dịch ở đây không phải chúng ta hoàn toàn không có trường hợp nhiễm HIV mới, mà vẫn có trường hợp nhiễm mới nhưng rất ít. Chẳng hạn, vào năm 2007 TP.HCM có đến hơn 10.500 người nhiễm HIV mới nhưng năm 2012 chỉ còn hơn 2.000. Số bệnh nhân AIDS ở TP tử vong hiện nay cũng giảm hơn 4 lần so với năm 2005 (hiện còn hơn 400 ca tử vong/năm). Việc giảm được số mắc mới và số tử vong như nói trên là nhờ phát hiện và điều trị bệnh sớm, cũng như ngày càng có nhiều thuốc mới tiến bộ hơn. “Hiện nay đã có đủ bằng chứng cho thấy việc điều trị bằng thuốc kháng HIV (ART) không chỉ kéo dài, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cộng đồng”, ông Giang nói.
|
Khi điều trị sớm, nguy cơ tử vong ở người nhiễm HIV giảm đáng kể. Do hệ miễn dịch sẽ không bị vi rút phá hủy nên người nhiễm không chuyển thành bệnh nhân AIDS và bị tử vong do AIDS. Các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh, một người nhiễm HIV ở độ tuổi 25, nếu có một cuộc sống tốt, được điều trị sớm sẽ có sức khỏe tốt gần như người bình thường và có thể sống đến 70 tuổi. Do đó, nếu mở rộng điều trị sớm cho người nhiễm HIV thì nhiễm căn bệnh này sẽ không còn là “lãnh án tử hình”, mà sẽ giống như nhiều bệnh mãn tính khác có thể kiểm soát được (như bệnh tim mạch, đái tháo đường…). Thử nghiệm trên thế giới cho thấy, điều trị sớm sẽ giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con xuống dưới 3%. Tại TP.HCM, việc triển khai chương trình Phòng chống lây truyền từ mẹ sang con ở căn bệnh này đã kéo giảm tỷ lệ trẻ bị nhiễm từ mẹ (dưới 5% vào năm 2005) xuống còn dưới 3% (vào năm 2010). Còn nghiên cứu đa quốc gia, đa châu lục của thế giới đã chứng minh, những cặp không đồng nhiễm (một người nhiễm, một người không nhiễm), khi người nhiễm được điều trị sớm đã giảm nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình đến 96%”, ông Giang nói.
Đề án ART của TP.HCM
Cũng theo ông Giang, ở VN ngưỡng bắt đầu điều trị cho người nhiễm HIV hiện là tế bào CD4 qua xét nghiệm xuống dưới 350. Tuy nhiên, Bộ Y tế đang xem xét nâng ngưỡng này lên 500. Riêng TP.HCM chuẩn bị triển khai thực hiện đề án điều trị sớm hơn, bất kể lượng tế bào CD4 là bao nhiêu, bằng phương thức xã hội hóa (bệnh nhân nào có điều kiện sẽ cùng đóng góp một phần chi phí điều trị). “Nếu chương trình được triển khai từ năm 2014, cùng việc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống AIDS đã và đang làm, hy vọng trong vòng 5 năm tới TP.HCM sẽ không còn bệnh nhân AIDS mới và tiến tới sẽ không còn người chết do AIDS”, ông Giang nói.
Thanh Tùng
>> Vĩnh Long: Phát hiện và điều trị trên 12.300 người mắc bệnh HIV/AIDS
>> Trẻ nhiễm HIV cần điều trị sớm
>> Người nhiễm HIV dễ bị bệnh tim
>> Bé gái bị truyền máu nhiễm HIV
Bình luận (0)