Tiền truyện 'Đấu trường sinh tử' đẹp nhưng vô hồn

17/11/2023 07:46 GMT+7

'The Hunger Games: The Ballad of Songbirds & Snakes' làm tốt khâu xây dựng bối cảnh phản địa đàng, cũng như phục trang của các nhân vật. Tuy nhiên, kịch bản phim còn lan man, kém hấp dẫn.

The Hunger Games: The Ballad of Songbirds & Snakes (Đấu trường sinh tử: Khúc hát của chim ca và rắn độc) là phần tiền truyện/ngoại truyện của thương hiệu phim sinh tồn nổi tiếng The Hunger Games. Loạt phim gốc xoay quanh một xã hội phản độc tài toàn trị trong tương lai, nơi các quý tộc từ thủ đô Panem tổ chức Hunger Games để mua vui. 12 quận sẽ cử ra những "vật tế" (tribute), giết nhau để tồn tại trong đấu trường sinh tử.

Phim mới lấy bối cảnh 46 năm trước khi xảy ra sự kiện trong phần một. Tay tổng thống độc tài Coriolanus Snow (Tom Blyth đóng) lúc này vẫn là chàng sinh viên 18 tuổi đầy mơ mộng, ấp ủ khát khao vực dậy gia tộc Snow và kế thừa uy danh của cha mình. Trước thềm Hunger Games lần thứ 10, Coriolanus được giao vai trò cố vấn cho "vật tế" của quận 12 - nữ ca sĩ Lucy Gray Baird (Rachel Zegler). Trong cuộc chiến giành quyền sống, họ dần nảy sinh tình cảm, buộc Coriolanus phải lựa chọn giữa quyền lực và hạnh phúc.

Tiền truyện ‘Đấu trường sinh tử’ đẹp nhưng vô hồn - Ảnh 1.

Tài tử điển trai Tom Blyth thủ vai Tổng thống Snow thời trẻ

CGV

Mở rộng thế giới phản địa đàng trong 'The Hunger Games'

Đạo diễn Francis Lawrence mang người xem đến với thời kỳ hoàng kim của quốc gia hư cấu Panem, trước khi những cuộc khởi nghĩa từ các quận trỗi dậy mạnh mẽ. Nhà làm phim khắc họa sự bề thế của thủ đô (The Capitol) qua những kiến trúc thượng tầng phức tạp, gợi nhắc các siêu thành phố trong nhiều phim khoa học viễn tưởng.

Đúng với tinh thần của loạt phim gốc, phục trang những quý tộc đến từ thủ đô sẽ có họa tiết bắt mắt, tông màu nóng; đối lập với người dân nghèo ở các quận bị nô dịch. Đồng phục của học viện, nơi Coriolanus Snow theo học, được thiết kế theo lối unisex (phi giới tính), kết hợp váy và blazer màu đỏ thẫm tạo cảm giác quý phái, thanh lịch.

Tiền truyện ‘Đấu trường sinh tử’ đẹp nhưng vô hồn - Ảnh 2.

Phim ghi điểm ở phần nhìn sặc sỡ

CGV

Francis Lawrence chọn phủ tông lạnh cho màu phim, nhằm nhấn mạnh thông điệp vầng thái dương ấm áp cũng không thể sưởi ấm cho một quốc gia lạnh lẽo, phi nhân tính như Panem. Trong khi các "vật tế" lo sợ và phẫn uất, MC của Hunger Games thỏa sức pha trò, còn các cố vấn như Coriolanus Snow thì ngồi ở vị trí an toàn, tự do bình phẩm, cười nói.

Với hệ thống nhân vật mới không có nhiều liên kết với loạt phim gốc, phim không khó để những ai chưa từng xem The Hunger Games tiếp cận. Chưa kể, tác phẩm ra mắt hợp thời điểm, khi thể loại phim sinh tồn (Squid Game, Alice in Borderland) đang được khán giả trẻ yêu thích. Tất nhiên, fan của loạt truyện sẽ hứng thú trước những easter egg (tình tiết gợi nhắc) thú vị.

Tiền truyện ‘Đấu trường sinh tử’ đẹp nhưng vô hồn - Ảnh 3.

Khán giả mới không cần biết trước loạt The Hunger Games cũng có thể thưởng thức trọn vẹn phim

CGV

Bất lợi khi kịch bản phim quá bám sát nguyên tác

Theo cây viết Mae Abdulbaki của Screen Rant, phần lớn các bài phê bình quốc tế đều cho rằng phim "nhồi nhét quá nhiều câu chuyện, thiếu đà ở màn cuối và quá dài". Khán giả chưng hửng khi câu chuyện về Hunger Games, những tưởng là mạch chính của phim, giờ chỉ vỏn vẹn 1/3 thời lượng.

Sau đó, kịch bản trở nên rời rạc khi nối tiếp arc (tuyến truyện quan trọng) Đấu trường sinh tử bằng giai đoạn tòng quân của Coriolanus Snow, phát triển tiếp mối tình giữa anh và Lucy Gray. Với loạt nhân vật mới được giới thiệu vội vã, người xem khó có thể nhớ mặt, chứ đừng nói là gắn kết với họ.

Tiền truyện ‘Đấu trường sinh tử’ đẹp nhưng vô hồn - Ảnh 4.

Phim ôm đồm nhiều tuyến truyện gây mệt mỏi cho người xem

CGV

Đây là do The Hunger Games: The Ballad of Songbirds & Snakes có sự tham lam khi bám sát nguyên tác cùng tên của Suzanne Collins. Ba giai đoạn trong hành trình giành lấy quyền lực của Tổng thống Snow đều đủ chất liệu để dựng thành từng phim riêng hoặc series, song lại bị cố gắng “nhồi” vào thời lượng 157 phút của phim điện ảnh.

Giả sử nhà làm phim chấp nhận hy sinh tình tiết, thống nhất mạch truyện chính như ba hồi quan trọng của The Hunger Games: The Ballad of Songbirds & Snakes, thì có lẽ kịch bản phim đã tốt hơn rất nhiều.

Mạch phim dàn trải nhưng thiếu điểm nhấn cũng khiến tương tác tình cảm giữa hai diễn viên Tom Blyth và Rachel Zegler thiếu tính thuyết phục. Hai kép chính trong các phân đoạn "độc diễn" đều khắc họa được cá tính nhân vật, chưa kể, Zegler nhiều lần chiếm màn ảnh khi cô cất tiếng hát. Tuy nhiên, họ trở nên lúng túng, thiếu cảm xúc khi chung khung hình. Điều này dẫn đến quyết tâm “hắc hoá” của Snow cuối phim không thuyết phục, như ngọn đèn hiu hắt vì thiếu chất xúc tác.

Còn nhớ trong ba phần tiền truyện của Star Wars, nhà làm phim để Anakin Skywalker đi hết hành trình anh hùng, nếm thử hạnh phúc, rồi tàn nhẫn gieo bi kịch khiến anh tha hoá thành tay ác nhân khét tiếng Darth Vader. Hay như trong hầu hết tác phẩm phái sinh từ tiểu thuyết Dracula của nhà văn Bram Stoker, các tác giả để chúa tể ma cà rồng vì đau đớn tột cùng mà đâm ra căm thù nhân loại.

Hành trình tương tự không đến với phiên bản điện ảnh của Coriolanus Snow. Nhân vật liên tục được "tổ đãi", gặp nhiều may mắn suốt phim. Những vết sẹo thời thơ ấu hay nỗi đau bị phản bội của Snow lướt qua quá ngắn gọn, thiếu điểm nhấn. Có lẽ đến cuối phim, anh trở thành kẻ độc tài là do một kịch bản khiên cưỡng, đậm tính sắp đặt.

Tiền truyện ‘Đấu trường sinh tử’ đẹp nhưng vô hồn - Ảnh 5.

Tình tiết khiến Snow trở thành ác nhân chưa thuyết phục

CGV

Nhìn chung, The Hunger Games: The Ballad of Songbirds & Snakes chỉ thành công trong vai trò mở rộng thế giới của Đấu trường sinh tử. Tác phẩm thiếu sức sống riêng nếu xét là phim độc lập, rốt cuộc chỉ có thể dựa hơi chính truyện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.