Mỗi ngày trước khi vào cơ quan, tôi không thể nào không vẩn vơ nghĩ về tiếng chim khắc khoải. Có khi chợt nghĩ, có lẽ vì nó buồn quá, suốt ngày bị nhốt trong lồng, ở một góc nhỏ hẹp của hàng hiên chăng đầy dây phơi áo quần và mấy bụi dây leo rườm rà, thiếu đi một khoảng trời xanh mênh mông, khoáng đạt. Cũng có khi lại nghĩ, có lẽ bởi rời xa một không gian rộng thoáng, đẹp đẽ và bị nhốt trong một chiếc lồng chật hẹp nên mọi nhu cầu giao tiếp bị ức chế, khiến cho tiếng gáy của nó không thanh cảnh, không mời gọi, háo hức như vốn có ở loài chim mỗi sáng tinh mơ… Tuy vậy, đó cũng chỉ là những nhận xét vô cớ của một người vốn chẳng sành chim.
Ấy vậy mà, suy đoán của tôi đã đúng, bởi một buổi sáng, bỗng dưng tôi nghe tiếng chim gáy lên có vẻ lảnh lót, chờ đợi và đầy vẻ náo nức. Hóa ra, có một con chim gáy ở đâu phía bên cây đa của chùa Đồng Hiệp bay sà qua, lượn vài vòng rồi đậu trên bờ tường phía đối diện. Nghiêng ngó một chút, làm dáng một chút, con chim trong lồng xáo xác đôi cánh và cất tiếng gáy lên cúc cù cu… cúc cù cu nghe thật hào hoa, sảng khoái. Con chim đậu bờ tường cũng đáp lại bằng cái dáng đi rất nhẹ, uyển chuyển dọc bờ tường và chợt chao nghiêng cánh, gẩy gẩy chiếc mỏ xinh xinh vào cổ ra chiều như muốn âu yếm. Ồ, hóa ra đó là một con chim mái… Nhưng tiếc rằng tôi chỉ thấy cảnh đó chỉ duy nhất trong một buổi sáng, còn sau đó, lại vẫn nghe tiếng gáy khắc khoải, trầm buồn và cứ tự hỏi, không biết con chim - mái - tự - do ấy đã bay về chốn nao.
Một buổi chiều, đi làm về sớm hơn thường lệ, tôi thấy chú Nam đem lồng chim ra vệ sinh. Con chim sợ sệt nhảy loạn xạ trong lồng khi lũ nhỏ trong xóm xúm lại xem, chú Nam nhẹ nhàng vuốt ve và thổi nhẹ vào bộ lông mượt mà của nó. Được âu yếm, con chim gáy ngoan ngoãn đứng yên một chút, rồi lại nhảy nhót loạn xạ và tiếp tục sợ hãi khi lũ nhỏ xúm lại càng lúc càng đông... Chú Nam làm nghề lái xe taxi, mỗi ngày sau những chuyến xe chen chúc, luồn lách trên đường phố chật chội, thường trở về nhà với bộ dạng mệt mỏi. Chú nói: “Có con chim để chăm sóc, mỗi khi nghe nó gáy một hồi, em cũng thấy đỡ căng thẳng, nhọc mệt vì phải căng sức bươn chải mưu sinh”. Tôi bảo: “Chim làm chú bớt mệt nhọc, nhưng chú lại tước mất của nó sự tự do. Chú có để ý tiếng gáy của nó buồn lắm không…”. Chú chỉ cười, không nói.
Chợt nhớ, ngày xưa ba tôi thường kể về con chim gáy độc nhất vô nhị của ông Cửu trong làng. Người xưa nuôi chim rất kỹ lưỡng và chăm sóc chiều chuộng vô cùng. Con chim gáy của ông Cửu xứng danh là con chim quý, nổi tiếng trong hàng tổng, bởi có một vị hào phú ở làng bên đánh tiếng sẵn sàng đổi 3 con trâu đực, nhưng ông Cửu không hề lay động. Người làng đồn rằng con chim đó không chỉ đem lại sự phú quý cho gia đình ông Cửu, mà nó còn có nhiều đặc điểm tuyệt vời, chẳng hạn nếu đem đi làm chim mồi để bẫy chim gáy ngoài đồng, thì không có con chim mồi nào có thể sánh bằng, vì tiếng gáy của nó có hấp lực, lôi kéo những bầy chim gáy khác hơn tất cả. Nhưng theo lời ba tôi, điều mà ông Cửu quý nhất, là tiếng gáy của con chim ấy làm cho ông Cửu có tinh thần sảng khoái, có thêm sức khỏe và vì vậy, ông không bao giờ chịu đánh đổi, dù với bất cứ thứ gì quý giá.
Lại cứ vẩn vơ nghĩ rằng, dù chim quý hay không, chim được người đời nâng niu chiều chuộng trong lồng son như con chim gáy của ông Cửu, hay được dành cho một chiếc lồng tre ở một góc hiên nhà nhỏ hẹp như con chim của chú Nam, thì cũng vẫn chỉ sống được một đời chim. Một đời chim quá cô đơn và bất lực trước khoảng trời xanh bao la, cao rộng…
Trần Thanh Bình
Bình luận (0)