Cuộc hồi hương của một Khôi nguyên La Mã

Tiếng gọi phụng sự đất nước

09/11/2023 06:56 GMT+7

Con đường hình thành một bản khế ước, về phía này là trải thảm đón nhân tài, về phía kia là hồi hương phụng sự đất nước, đã diễn ra như thế nào?

Từ giai thoại đến các thư từ, văn bản trao đổi giữa Phủ Tổng thống chính quyền miền Nam lúc đó với kiến trúc sư (KTS) trẻ Ngô Viết Thụ hé lộ nhiều điều thú vị...

Một mô hình trong bản đồ án chỉnh trang Sài Gòn - Chợ Lớn Ảnh: NVN khảo cứu tại  TTLTQG 2, TP.HCM

Một mô hình trong bản đồ án chỉnh trang Sài Gòn - Chợ Lớn

NVN KHẢO CỨU TẠI TTLTQG 2, TP.HCM

Món quà từ khu vườn quê

Ba năm sau khi thắng giải Grand Prix de Rome, Ngô Viết Thụ liên tục đi lại giữa Paris và Rome để thực hiện các dự án, triển lãm và báo cáo thường niên. Thời gian này, tại Đà Lạt, nhạc phụ của ông cũng làm ăn dư dả (nhờ mở cửa hiệu buôn tại khu Hòa Bình và kinh doanh bất động sản), nên mua một căn hộ tại Paris, giúp con gái có dịp gần chồng. Bà Võ Thị Cơ bế con nhỏ sang Pháp sống, vừa được đoàn tụ với chồng, vừa một tay lo nội trợ, bếp núc cho hai em trai là Võ Quang Tri và Võ Quang Miên cũng vừa sang Pháp du học tại Trường cao đẳng Quốc gia Nông nghiệp Paris và Trường cao đẳng Quốc gia Kiến trúc Paris.

Vợ con bên cạnh, sự nghiệp đang thăng tiến tại châu Âu, nhưng một bước ngoặt lớn đã diễn ra trong cuộc đời KTS Thụ.

Lúc bấy giờ, năm 1958, tại miền Nam, chính quyền VNCH đang kiến thiết, chỉnh trang các đô thị. Một thế hệ KTS tài năng từ Trường Mỹ thuật Đông Dương đã góp sức cho chủ trương này, ta có thể nhận ra các tên tuổi: Hoàng Hùng, Võ Đức Diên, Nguyễn Hữu Thiện... Nhưng đa số chỉ hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc đơn thuần. Những dự án chỉnh trang, quy hoạch mang tầm vóc, quy mô một đô thị rất cần đến người từng được đào tạo về quy hoạch lẫn kiến trúc từ phương Tây, nhất là khi mà các đô thị lớn miền Nam hầu hết là sản phẩm của quy hoạch đô thị theo tư duy lý tính trước đó của người Pháp.

Cụ thể, một đại dự án lúc bấy giờ mà chính quyền miền Nam muốn làm, đó là chỉnh trang, mở rộng Sài Gòn, trong đó, ý tưởng bao trùm là chỉnh trang Sài Gòn, Chợ Lớn hợp nhất trong một "đô thành". Rõ ràng, đây là một tính toán không chỉ về mặt địa kinh tế mà còn là địa chính trị và địa văn hóa.

Phủ Tổng thống lúc bấy giờ tìm cách kết nối và mời Ngô Viết Thụ về nước cho bằng được. Người đóng vai trò kết nối và xúc tiến cho việc này, không ai khác, là GS Nguyễn Phúc Bửu Hội. Ông Bửu Hội là giáo sư hóa hữu cơ, làm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp. Vào cuối thập niên 1950, ông có sự kết nối khá chặt chẽ với giới trí thức và chính trị gia thuộc chính quyền miền Nam.

Trong một lần về nước, vị giáo sư gốc Huế đã đích thân đến làng Lang Xá, Thủy Thanh, Thừa Thiên-Huế thăm nhà ông thầy giáo dạy ở Trường Bá Công, là phụ thân của Ngô Viết Thụ. Giữa cuộc chuyện trò hàn huyên, vị giáo sư đã thuyết phục người cha góp lời nhắn gửi để con trai mình trở về phụng sự đất nước.

Có giai thoại kể rằng, nghe vậy, thầy giáo nghèo đã lặng lẽ đi ra vườn hái hai trái xoài, gói ghém cẩn thận, gửi cho con cùng bài thơ có ý nhắc nhở con đi đâu cũng nhớ đến quê hương bản quán...

Cũng cần nói thêm, quyết định hồi hương của Ngô Viết Thụ, một phần cũng từ tác động của phía vợ và gia đình vợ.

Nóng lòng trở về

Sau những thảo luận qua lại, thì một khế ước được ký kết giữa Phủ Tổng thống với ông Ngô Viết Thụ. Ngày 30.12.1958, trong khi Ngô Viết Thụ đang chuẩn bị một cuộc triển lãm tại Rome, thì Tổng giám đốc Nha Kiến thiết và Thiết kế đô thị Trần Văn Nam thông qua Bộ Ngoại giao và Sứ quán VNCH tại Ý, gửi tới địa chỉ Ngô Viết Thụ ở villa Médicis (Rome) một công văn: "Vì có sự cản trở của Hàn Lâm viện Pháp mà ông chưa kịp (về nước) thì xin ông đợi khi làm xong triển lãm cho Viện này rồi hồi hương cũng được. Khế ước vẫn có giá trị cho đến ngày ông và người phụ tá về nhận việc tại Nha tôi. Nhân tiện, Nha tôi xin thành thật cám ơn ông đã có nhã ý muốn tặng Chính phủ và Nha tôi dự án chỉnh trang Saigon-Cholon mà ông sẽ trình bày ở cuộc triển lãm tại La-Mã và Balê".

Tiếng gọi phụng sự đất nước - Ảnh 2.

Ngô Viết Thụ thuyết trình mô hình một khu chợ mới ở Chợ Lớn khi Cựu tổng thống Pháp Vincent Auriol và phu nhân đến thăm xưởng vẽ của mình tại Rome. Bên dưới bức ảnh là thủ bút của Ngô Viết Thụ.

NVN KHẢO CỨU TẠI TTLTGQ2, TP.HCM.

Trong bức thư đề ngày 8.4.1959, từ Rome gửi về cho Bộ trưởng Phủ Tổng thống VNCH, Ngô Viết Thụ giải thích rằng ông đang suốt đêm ngày làm gấp dự án chỉnh trang Sài Gòn - Chợ Lớn để gửi về trước. Ông giải thích lý do chậm trễ là vì công việc khảo cứu cho chỉnh trang là cần thiết và rất phức tạp. Ông viết: "... vả lại, các vấn đề nhân sinh, xã hội, phải có nhiều người để bàn bạc, mà tôi ở đây có một mình, xin về Việt Nam thì Hàn Lâm viện Pháp làm nghiệt, buộc phải xong triển lãm mới cho đi". Và ông bày tỏ: "Lòng tôi nóng về thăm quê hương tuồng như lửa đốt, xa cha ngái mẹ đã lâu ngày (...) thế mà phải chờ đợi thế này, thiệt tôi buồn và lo lắng hết sức".

Bức thư viết tay bốn trang cũng gửi kèm phác thảo họa đồ chỉnh trang Sài Gòn - Chợ Lớn và đệ trình lên tổng thống xin chỉ thị rõ ràng về "một cái tên của thủ đô mới". (Có nghĩa là đã có lúc chính quyền miền Nam tính toán đến việc sau khi chỉnh trang thì sẽ đổi tên đô thành mới).

Trong thư, ông Thụ cũng có ý kiến rằng "cái tên đó phải dễ nhớ, dễ gọi".

Dự án chỉnh trang Chợ Lớn - Sài Gòn cũng được ông Thụ nhắc đến trong bức thư từ Paris gửi Bộ trưởng Phủ Tổng thống chính quyền miền Nam ngày 22.2.1959. Đồ án này cũng là một báo cáo nghiên cứu thường niên, được triển lãm tại Rome và Paris: "Hiện nay tôi đang qua Ba Lê kiếm người phụ việc sang La Mã đặng vẽ đồ án chỉnh trang Saigon - Cholon (chứ không phải riêng Thủ Thiêm) mà tôi sẽ trình bày tại cuộc triển lãm sắp tới, vào hồi tháng 5 hay 6 dương lịch tại La Mã và tháng 11 ở Ba Lê". (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.