Tiếng hát của chiếc lá

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
01/07/2018 09:00 GMT+7

1. Trong những âm thanh của dòng sông đang hối hả hòa vào đại dương, cô ấy bỗng nghe tiếng một chiếc lá, bé nhỏ, mỏng manh…chiếc lá bị cuốn theo dòng nước và rồi nó đang được giữ lại bởi một mỏm đá hay một đám rễ cây.

Và trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, nó ngoái lại nhìn hai bên bờ, nơi có những rặng cây xanh ngát đang đùa vui.
Chỉ vậy thôi nhưng cứ mỗi lần nghe cái bản phối ấy cũng đủ để cô ấy giảng hòa được chút chút với mình.
“ Một sớm kia, xuôi theo dòng em đến, cớ sao anh chẳng đứng chờ….”
Đôi khi, trong dòng đời bận rộn, ồn ào và hối hả, chúng ta vì một tỉ lý do đã bỏ qua cho mình rất nhiều những khoảnh khắc quan trọng… và rồi một ngày nào đó, chúng ta cảm thấy nuối tiếc vì sự lơ đãng của mình.
Giai điệu cũng giống như người tình, có khi vào thời điểm này ta thích thứ này, thời điểm khác ta thích thứ khác. Nhưng có những giai điệu giống như duyên phận, như vợ chồng, nó gắn bó với ta vào những lúc quan trọng nhất, nó cứu rỗi và là một phần không thể thiếu của cuộc đời của ta.
Hóa ra, âm nhạc có cứu rỗi thế giới không thì chưa dám nói nhưng nó gắn bó với rất nhiều những kỷ niệm, là mảnh ghép trong cuộc đời rất nhiều người.
Vậy sao ta không dừng lại một tí, chậm lại một tí để lắng nghe, để cảm nhận và để rung cảm vì điều ấy?
2. Nếu có ai đó, đốt một đống lửa rồi ngồi nhìn nó, từ ngày này sang ngày khác, thì sẽ thấy, lửa cũng biết nói và có cảm xúc như con người.
Đôi khi nó reo vui, đôi khi nó đổ lệ, đôi khi nó thì thầm và đôi khi nó lại lặng yên...
Nhưng chắc chắn, nếu chủ động tạo ra đống lửa thì lúc nào cũng vui. Chí ít, vui là âm hưởng chủ đạo.
Anh ấy đã ngồi nhiều giờ, nhiều lần nên biết. Thậm chí anh ấy còn trò chuyện với nó.
Một người em quen biết, hôm nay đến cùng ngồi bên đống lửa cùng anh. Nói là làm, nó đến đúng giờ hẹn như những lần hẹn trước dù đang có việc rất vội. Anh kể là vì cái tình. Nó lúc nào cũng thế, vui hay buồn đều thế. Tiếc là anh và em biết nó hơi muộn, không thì đã được chơi với đứa có tình lâu hơn rồi.
Cái tình đượm như than hồng.
3. Mỗi người trong chúng ta, tại một thời điểm nào đó chắc đều chứng kiến sức mạnh của tâm linh hiện hữu ở đâu đó. Chính sức mạnh của niềm tin, vốn được các tôn giáo tạo ra trên bình diện rộng và đan quyện vào đời sống đã nuôi dưỡng vô số người trong những thời điểm khó khăn.
Hồi mới yêu, chồng tôi bây giờ hay kể rằng: Mỗi khi anh nhớ em, nhắm mắt lại, hình ảnh đầu tiên hiện lên là em đang ngồi trên chiếc xe đạp, gió hất phần tóc thả để lộ phần cổ phía sau tai rất trắng. Anh ấy còn khai là phần cổ nấp dưới tóc phía sau tai của tôi là nơi “thơm mùi tôi nhất”.
Tôi thì không biết tôi thơm mùi gì vì hồi trẻ tôi không dùng nước hoa.
Đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao sau chừng đó giờ hôn mê, nghe nói thỉnh thoảng tôi còn bị co giật làm mọi người khá lo lắng, vậy mà giữa những cơn đau cuồn cuộn không bấu víu ấy, tôi lại nhận có cảm giác có đôi tay thô ráp quen thuộc đang nắm lấy tay mình. Rồi giữa một đám râu ria lởm chởm là đôi môi mềm và ấm của chồng tôi đang áp vào mắt. Giữa những cơn đau và bóng đen cuộn lên chìm xuống, cái cảm giác quen thuộc ấy đã dẫn dắt tôi.
Chừng đó năm ở bên nhau, chưa bao giờ tôi có ý định hỏi chồng mình rằng: Anh có yêu em không? Nhưng mà mãi tôi vẫn không thể quên được cái cảm giác khi tôi ở giữa chập chờn mê tỉnh. Có thật là anh đã làm vậy không hay đó chỉ là ảo giác? Nhưng tôi chắc chắn một điều rằng tôi đã men theo cái cảm giác quen thuộc đó mà trở về. Tình yêu, thực ra là nó có tồn tại và nó luôn lên tiếng ngay cả khi không ai hỏi.
4. Anh và em cùng một gu âm nhạc, thích cùng nhau nghe những bài hát trong đó có những ca từ mà lần nào nghe cũng làm trái tim rung lên. Ví như lời thơ của Thảo Phương được Phú Quang phổ nhạc: “Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về” hay Việt Anh viết: “Đi về đâu cũng là thế, buồn kia còn trong dáng ngồi”...
Bây giờ em đã đi xa, chỉ mình anh ngồi nghe Văn Cao:
“Người đi theo mưa gió xa muôn trùng/ Lần bước phiêu du về chốn cũ/ Tới đây mây núi đồi chập chùng / Liễu dương hong tóc vàng trong nắng / Gội áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân ...”
Hồi trước em thường gọi đó là tiếng hát của chiếc lá. Trái tim chúng ta cũng có hình chiếc lá.
Phải lặng yên mới nghe được nó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.