Tiếng hát mãi xanh và những ước mơ bình dị

27/08/2017 06:58 GMT+7

Trải qua vòng Chọn giọng với phần tranh tài của 52 thí sinh, Ban giám khảo Tiếng hát mãi xanh 2017 đã tìm ra 23 giọng ca vào vòng Nhà hát (vừa lên sóng lúc 20 giờ 45 trên kênh HTV9 ngày 25.8).

Tập 2 vòng thi này sẽ phát sóng vào tối 1.9 để công bố 8 thí sinh xuất sắc nhất vào vòng Live show.
Thỏa đam mê bất kể hoàn cảnh sống
Tuổi tôi ở quê người ta kêu “mãn số” hết rồi mà giờ nhờ âm nhạc tôi trẻ trung, khỏe re
Thí sinh THÂN THỊ TIẾN
(69 tuổi)
Dù ở lại hay tiếp tục với cuộc thi thì các thí sinh Tiếng hát mãi xanh (THMX) lẫn khán giả vẫn nhớ mãi những cái tên mà hoàn cảnh sống của họ, tình yêu âm nhạc của họ làm người ta thấy yêu đời hơn.
“Shipper” Trần Bội Văn (41 tuổi, TP.HCM) có một giọng hát ngọt ngào, chân chất và đặc biệt câu nói: “Bịt khẩu trang đi giao hàng vẫn còn hát được” làm khán giả nhớ mãi về chị. Bội Văn tâm sự, ước mơ nhỏ bé của chị là khát khao được một lần bước lên sân khấu lớn để hát. “Tôi được đứng trên sân khấu như vầy là đủ rồi bởi thường ngày sân khấu của tôi là vỉa hè. Được đi tiếp hay dừng lại với tôi không quan trọng nữa”, Văn nói. Nghe chị hát Hình bóng quê nhà và xem đoạn phóng sự ngắn về công việc giao hàng vất vả hằng ngày bất kể nắng mưa khiến nhiều người thương chị hơn.
Thí sinh Nguyễn Thị Mỹ Lành (49 tuổi, TP.HCM) dẫu tất bật với xe bánh mì 21 năm qua nhưng không bỏ khát khao học nhạc và được mọi người gọi một cách thân thương là “nghệ nhân bán bánh mì”. Bà kể, cứ sau thời gian đi bán, chiều tối đến chị lại hăm hở đi học nhạc, luyện thanh… Bà còn tham gia các câu lạc bộ âm nhạc và sinh hoạt đều đặn không quản nắng mưa. Mỹ Lành đã tạo dấu ấn quá tốt ở các vòng thi trước bởi sự nỗ lực học hát bất chấp hoàn cảnh. Giám khảo - ca, nhạc sĩ Đức Huy phải trầm trồ nể phục bà và thừa nhận bản thân mình dù hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật nhưng mỗi ngày vẫn phải học nhạc và học tới khi nhắm mắt mới thôi. Tiếc rằng đến vòng Nhà hát, bà thể hiện chưa thành công ca khúc và dừng cuộc chơi.
Thí sinh Nguyễn Văn Lệ Ảnh: Minh Phượng
Đã 3 lần tham gia THMX nhưng thí sinh Nguyễn Văn Lệ (58 tuổi, TP.HCM) làm công việc chạy xe ôm gần 15 năm qua vẫn quyết tâm không bỏ cuộc. Ông khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục tập luyện để năm 2018 đi thi lại. Với tôi, chuyện đậu rớt không quan trọng bởi tôi yêu cái cảm giác bước lên sân khấu để hát. Mỗi lần như thế tôi thấy mình trẻ lại, yêu đời và bớt tự ti với cuộc sống”. Nhìn ông nghêu ngao hát trong những lần chở khách trên đường hay tranh thủ mang tai nghe để luyện bài lúc đợi khách mới hiểu hơn sức mạnh của tình yêu âm nhạc. Sau một ngày phơi mình dưới cái nắng nóng Sài Gòn trong từng chuyến xe chở khách, tối về ông còn tranh thủ “luyện” vài bài karaoke. “Hát xong thấy hết mệt và... vui vẻ đi ngủ. Nói thiệt là âm nhạc còn giúp tôi ngủ ngon, ngủ sâu”, ông kể trong niềm vui.
Những giọng ca đầy hứa hẹn khác như “ông bố soái ca” Trần Tuấn Phước (40 tuổi, TP.HCM) được giám khảo đánh giá có ngoại hình sáng và một giọng hát truyền cảm. Phước đi thi vòng Chọn giọng khi vợ anh sinh con thứ hai. Anh vừa chăm sóc vợ vừa sắp xếp thời gian đi thi và tuyên bố với vợ rằng: “Đây là dịp để anh chứng minh cho em thấy anh vừa hát được mà vẫn chăm sóc cho vợ con chu đáo”. Các giọng ca khác như: “lãng tử phố núi” Lê Đình Bắc (Đắk Lắk), hay “giọng ca không tuổi” Nguyễn Văn Đa (TP.HCM)... cũng mang đến cho người xem những dấu ấn riêng.
Thí sinh Trần Bội Văn Ảnh: MAYQ
Đi thi để “trẻ hóa” cuộc sống
Hỏi các thí sinh vòng Nhà hát việc đi thi THMX đã giúp gì cho họ trong cuộc sống, tất cả cùng bảo niềm đam mê âm nhạc và đi thi còn giúp họ “trẻ hóa” cuộc sống. Với họ, tham gia ca hát trong một chương trình truyền hình hay sân chơi âm nhạc như một cách rèn luyện sức khỏe, rèn thêm trí nhớ. Nhìn họ lắng nghe lời chỉ dẫn từ giám khảo, người cùng chơi, trau dồi thêm kiến thức âm nhạc từ các thầy cô giáo mới thấu hiểu hơn ca hát đã giúp họ vui như thế nào. Trải qua 7 mùa giải của THMX, người viết đã chứng kiến rất nhiều thí sinh dù U.70, U.80 nhưng “đến hẹn lại thi”, vẫn kiên trì với đam mê ca hát.
Nhiều người còn nhớ ông Nguyễn Thế Anh (TP.HCM), sau nhiều năm theo đuổi, đến lúc vào tới vòng chung kết thì đã 78 tuổi. Hình ảnh ông cụ run run đi thi năm đầu, hát rớt nhịp, trật tông sau 6 năm liên tục thi hát đã không còn nữa. Ông trở nên dạn dĩ trên sân khấu, phong thái ung dung, hát dõng dạc không hề quên lời trong THMX 2016. Ông chia sẻ: “Mỗi ngày ở nhà cứ hát hò thường xuyên cho con cháu nghe rồi góp ý, rồi lắng nghe nhận xét của giám khảo mỗi năm mà mình rút thêm kinh nghiệm”. Anh Đào Duy Khánh (Đồng Nai), thí sinh dừng lại vòng Nhà hát ở THMX 2016, đã tiếp tục “dùi mài” để sau đó, trong một cuộc thi ca hát khác là Solo cùng bolero 2016 anh đã vươn đến vị trí á quân.
Ở THMX, những câu chuyện nghiêm túc, những ước mơ nhỏ nhoi, đơn sơ của thí sinh đã truyền cảm hứng đặc biệt đến khán giả. Những đam mê tưởng chừng đã ngủ quên của một thời tuổi trẻ đã nhờ THMX mà vươn xa.
Ở mùa giải 2017, THMX tiếp tục chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về sự bền chí, quyết tâm để mỗi năm tiến bộ hơn. Như thí sinh Thân Thị Tiến (69 tuổi, TP.HCM) chia sẻ, từng đi thi THMX cách đây 4 năm, lúc đó quá run nên quên lời. Quyết chí “phục thù”, bà tập luyện trí nhớ hằng ngày bằng cách “hát mọi lúc mọi nơi”.
Quay trở lại THMX 2017, bà hát nhớ lời được nguyên cả bài. Bà nói vui: “Tuổi tôi ở quê người ta kêu “mãn số” hết rồi mà giờ nhờ âm nhạc tôi trẻ trung, khỏe re”. Tài xế taxi Hoàng Đạo (49 tuổi, TP.HCM) thì tích góp sẵn tiền bạc một năm trước để đến THMX 2107 và quyết định tạm nghỉ việc 2 tháng để đi thi.
Chia sẻ về lý do “chơi lớn” này, Hoàng Đạo cười bảo, chỉ là muốn dành hết tâm huyết cho cuộc chơi, sợ đi làm về mệt không có thời gian luyện giọng. Ông còn kỹ càng tính toán “phương án” dành dụm tiền bạc để trong thời gian nghỉ làm vẫn có đủ điều kiện lo lắng cho cuộc sống. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.