Tiếng kèn xe: Niềm thương nỗi nhớ hay là sự ám ảnh?

24/08/2014 09:24 GMT+7

Những ngày nghỉ, tôi thực sự thấy khỏe khi không phải ra đường. Đoạn đường từ nhà tôi đến chỗ làm việc chỉ khoảng vài cây số mà tiếng kèn xe liên tục chát chúa...

Những ngày nghỉ, tôi thực sự thấy khỏe khi không phải ra đường. Đoạn đường từ nhà tôi đến chỗ làm việc khoảng vài cây số mà chỉ vì tiếng kèn xe liên tục chát chúa vào đầu khiến tôi cảm thấy quãng đường dài như vô tận.

>> Không bóp còi không được
>> Nghĩ trước khi bấm còi
>> Suy nghĩ trước khi bấm còi
>> Bấm còi bừa bãi, coi chừng bị phạt!


Ùn tắc giờ cao điểm cộng với tiếng bấm còi vô duyên đang là nỗi ám ảnh của nhiều người
tham gia giao thông - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Các xe động cơ chạy bằng xăng, dầu ở Việt Nam có một thiết bị được sử dụng nhiều nhất đó là cái kèn. Chắc hẳn ai cũng biết mục đích chính của việc sử dụng kèn là báo hiệu cho con người hay cả con vật về sự hiện diện của phương tiện giao thông nhằm tránh xảy ra tai nạn, nhưng than ôi, người ta đang sử dụng tùy tiện công cụ này.

m thanh tiếng kèn xe trên đường phố đang trở thành “đặc trưng” của Việt Nam. “Đặc trưng” đến nỗi có một người quen từng chia sẻ trên mạng xã hội rằng anh ta nhớ nhất tiếng kèn xe khi ra nước ngoài sinh sống. Còn đối với tôi, tiếng kèn xe không bao giờ trở thành niềm thương nỗi nhớ mỗi khi rời xa Việt Nam vì nó đã trở thành nỗi ám ảnh quá lớn mỗi khi ra đường.

 

Thật sự tôi không nhớ thói quen nhấn kèn xe vô tội vạ trên đường phố Việt Nam đã bắt đầu từ khi nào, nhưng tôi chắc chắn một điều rằng trước năm 1975 và thập niên 90 của thế kỷ 20 hiện tượng này không xảy ra trên đường phố Sài Gòn.

Người tham gia giao thông ở Việt Nam nhấn kèn vô tội vạ và ngay cả trong những tình huống hết sức vô lý. Họ có thể nhấn kèn inh ỏi mặc dù những xe phía trước đang dừng lại vì tín hiệu đèn đỏ hoặc đang phải đứng chờ vì kẹt xe. Thói quen xấu này lây lan đến đủ mọi loại người, từ tài xế xe buýt, tài xế taxi, thanh niên trai tráng… đến những cô gái đẹp và những bà mẹ đang chở con nhỏ.

Bực bội nhất là có những thanh niên trẻ vừa điều khiển phương tiện giao thông 2 bánh vừa nhấn kèn mặc dù phía trước không có chướng ngại vật. Thậm chí những thanh niên này thay đổi thiết bị kèn xe khác với tình trạng mặc định ban đầu của nhà sản xuất, dùng loại kèn dành cho phương tiện giao thông 4 bánh, khiến người đi đường phải giật mình sợ hãi. 


Một ảnh trong bộ ảnh Nghĩ trước khi bấm còi của họa sĩ Nguyễn Thành Phong. Tác giả thực hiện bộ ảnh nhằm nâng cao ý thức giao thông của người dân, thông qua hình thức trình bày gần gũi với giới trẻ - Ảnh: Họa sĩ Nguyễn Thành Phong cung cấp

Khủng khiếp nhất là những chiếc xe buýt trông bộ dạng giống như các gã khổng lồ kềnh càng say rượu, vừa “đánh võng” vừa hụ kèn mặc cho phía trước đang tắc nghẽn. 

Tiếng kèn xe phổ biến trên đường phố Việt Nam không chỉ dừng lại ở mức độ làm người tham gia giao thông lâm vào tình huống căng thẳng tinh thần mà đã là nguyên nhân gây ra chết người. Lý do chết người tưởng chừng như vô lý nhưng có thật. Chỉ cần bạn gõ vào google từ khóa “chết người vì tiếng kèn xe” hay “giết người vì tiếng kèn xe” sẽ hiện ra hơn 400 ngàn kết quả đến hơn 1 triệu kết quả… cho thấy lý do chết người vì tiếng kèn xe ở Việt Nam là có thật. Thế nhưng, những kết quả đau lòng này vẫn không làm thay đổi hiện trạng tồi tệ về tiếng kèn xe trên đường phố.

Thật sự tôi không nhớ thói quen nhấn kèn xe vô tội vạ trên đường phố Việt Nam đã bắt đầu từ khi nào, nhưng tôi chắc chắn một điều rằng trước năm 1975 và thập niên 90 của thế kỷ 20 hiện tượng này không xảy ra trên đường phố Sài Gòn.

Phải chăng đây là “căn bệnh lây lan” khi người Việt ra đường luôn gặp phải cảnh chen lấn, tắc đường: ai cũng muốn vượt lên trước, thấy người ta nhấn kèn được thì mình cũng nhấn? Mặt khác, có lẽ nguyên do chính nằm ở chỗ luật pháp Việt Nam không nghiêm. Sử dụng tiếng kèn vượt âm lượng cho phép, bấm kèn inh ỏi trong khu vực đông dân cư hay lắp đặt kèn không phù hợp với xe đều nằm trong những hành vi bị cấm và bị xử phạt, nhưng có vẻ chả ai biết sợ.

Thông qua bài viết này, tôi muốn nhắn nhủ với người tham gia giao thông nên sử dụng tiếng kèn đúng nơi đúng chỗ để tránh các tình huống xấu có thể xảy ra. Và mong muốn hơn nữa là luật pháp phải nghiêm minh, có biện pháp giám sát và xử lý các phương tiện giao thông lạm dụng việc sử dụng kèn xe, cũng như giám sát và xử lý các phương tiện giao thông 2 bánh gắn thiết bị kèn dành cho xe 4 bánh trở lên.

Mạc Tuấn Cương (*)

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một kỹ sư đang sinh sống ở TP.HCM

>> Bán nhà trốn tiếng ồn
>> Khổ vì tiếng ồn
>> Chịu không nổi tiếng ồn
>> Khổ vì tiếng ồn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.