Ở giai đoạn dự thảo luật, đây là cơ hội để người lao động (NLĐ) có thể nói lên tiếng nói của mình. Bởi xét cho cùng, họ chính là một trong những chủ thể.
Với hai đề xuất nói trên, có khá nhiều ý kiến của công nhân NLĐ về việc điều chỉnh giảm số tuổi để nhận lương hưu hoặc có cơ chế linh hoạt đóng và nhận lương hưu cho NLĐ. Nhưng cũng có không ít người cho rằng đó là "mong muốn thiếu thực tế", đi ngược với xu thế chung của thế giới và đặc biệt là bất khả do Việt Nam đang trong lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu...
Những ý kiến đa chiều, tranh luận như thế của người trong cuộc, theo người viết là cần thiết. Bởi thông qua những ý kiến này sẽ lộ rõ nhiều vấn đề cần thiết cho các nhà soạn thảo luật cập nhật "hơi thở của cuộc sống"...
Người viết xin dẫn chứng một trường hợp đang được quan tâm, đó là BHXH 1 lần. Cụ thể, với nhóm công nhân NLĐ trực tiếp sản xuất, nguy cơ mất việc của NLĐ sau 35 tuổi là rất cao. Trong khi hiện nay vẫn chưa có cơ chế hay hành lang pháp lý nào đảm bảo lao động sau 35 tuổi không bị mất việc. Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh nghề nghiệp và nguy cơ đổ bệnh vẫn còn cao, nhất là với NLĐ ở ngành chế biến kim loại, xây dựng, giao thông, nông nghiệp… Thế nên, NLĐ lo ngại rằng sức khỏe của họ đã giảm sút trong khi còn lâu mới tới tuổi nghỉ hưu.
Ngoài các thực tế này, những năm qua, NLĐ còn phải chịu nhiều "cú sốc" vì mất việc, giảm thu nhập do tác động dịch Covid-19 và biến động kinh tế. Đời sống khó khăn, thiếu tích lũy nên khoản BHXH 1 lần dường như là lựa chọn đầu tiên, duy nhất khi họ cần tiền trang trải... Chính vì vậy, điều quan trọng là khi tham gia góp ý, soạn thảo sửa đổi luật, cần đặt mình vào vị trí của NLĐ để có cái nhìn chia sẻ với cảnh ngộ của họ, qua đó đề xuất giải pháp khắc phục, tạo đà cho sự thay đổi tích cực.
Bình luận (1)
"Cần phải có cơ chế để đảm bảo việc lảm cho lao động sau 35 tuổi không bị mất việc". Đây là vấn đề quan trọng mà tôi cho rằng nhà làm Luật nên chú trọng nhiều hơn. Nếu đảm bảo được việc làm cho họ thì có thể giải quyết được nhiều vấn đề, giảm tỉ lệ rút BHXH 1 lần, giảm gánh nặng cho xã hội khi đến tuổi hưu. Vi dụ: khuyến khích người sử dụng lao động tuyển lao động trên 35 tuổi, 40 tuổi, 50 tuổi bằng cách giảm tỉ lệ % đóng vào quỹ hưu trí (phần của người SDLĐ) theo từng độ tuổi (càng lớn tuổi càng được giảm nhiều), nếu cần thiết có thể điều chỉnh tăng tỷ lệ đóng đối với LĐ trẻ tuổi (phần của NSDLĐ) để cân bằng quỹ. Rất mong cơ quản làm Luật lưu ý!