Sách gồm 15 chương, trong đó, 10 chương đầu bàn chuyên sâu và kỹ thuật các nội dung như: những vấn đề được quan tâm ở phương ngữ Nam bộ; vốn từ Nam bộ trong tiến trình Việt ngữ; trọng âm trong giao tiếp của người Nam bộ; vay mượn trong giao tiếp Nam bộ; khuynh hướng nói, viết tắt của người Nam bộ; thói quen nói lái của người Việt phương Nam; khác biệt giữa phương ngữ Nam bộ và Bắc bộ; địa danh Nam bộ; địa danh “số” ở Nam bộ; nguyên âm đối tiếng Sài Gòn. 5 chương tiếp theo “dễ đọc” hơn, giống như những câu chuyện bổ sung cho phần đầu: nói quá trong chuyện Ba Phi; về cuốn Dictionarium Anamitico-Latinum của J.L.Taberb; đóng góp cho nghiên cứu phương ngữ Nam bộ của Cao Xuân Hạo; đam mê từ nguyên học của An Chi và chuyện tác giả làm cuốn Từ điển từ ngữ Nam bộ.
Tác giả xác định “vùng phương ngữ Nam bộ” bao gồm Đông Nam bộ - Sài Gòn - Tây Nam bộ và coi phương ngữ Nam bộ là “tiếng Việt của người Nam bộ”. Từ đó, tác giả cất công nghiên cứu, phân tích sự khác biệt của phương ngữ Nam bộ với phương ngữ các vùng miền khác trong nước trên cả 3 phương diện: ngữ âm; từ vựng và ngữ nghĩa; ngữ pháp và phong cách diễn đạt. Tìm sự khác biệt, không phải để loại trừ hay khu trú, mà, nói như lời giới thiệu sách: “Việc tìm hiểu phương ngữ Nam bộ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, như việc ghi nhận sự đóng góp của phương ngữ Nam bộ vào kho tàng tiếng Việt toàn dân; đồng thời hướng tới sự chuẩn hóa tiếng Việt không phải theo khuynh hướng loại trừ các phương ngữ, mà trên khuynh hướng tiếp thu những yếu tố tích cực từ các phương ngữ nói chung, phương ngữ Nam bộ nói riêng, để làm phong phú và giàu đẹp thêm cho tiếng Việt”.
Cái “tiếng nói phương Nam” đó, như TS.Huỳnh Công Tín viết ở trang 14: “Đi liền với lịch sử khẩn hoang miền Nam là quá trình hình thành những nét riêng, mới cho cư dân người Việt. Trên phương diện ngôn ngữ, sự thay đổi trong ngôn ngữ không chỉ diễn ra ở lớp cư dân người Việt vào Nam, mà ở cả những cộng đồng người Việt tại chỗ. Vì sự thay đổi trong ngôn ngữ không chỉ do tác động của nhân tố không gian mà có cả nhân tố thời gian”.
Chỉ riêng với “con nước” trong phương ngữ Nam bộ, tác giả phát hiện: “Diễn đạt sự vận động của nước bằng hàng loạt từ ngữ, vừa có tính phổ cập, vừa có tính riêng qua sự phân biệt tinh tế giữa chúng: nước lên, nước xuống, nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém, nước đứng, nước nhửn, nước ương, nước đổ, nước ngập, nước nổi, nước quay, nước lụt, nước giựt, nước rút, nước chảy, nước trôi, nước nhảy, nước bò…”.
Cũng với chuyện “con nước” này, đề cập tới “phong cách diễn đạt giàu sắc thái biểu cảm và nhiều chất hài” của phương ngữ Nam bộ, tác giả dẫn 2 câu ca dao “Nước ròng trong ngọn chảy ra/ Tin chồng em chết, anh bôn ba qua liền” rồi bình luận, cái từ “bôn ba” trong câu ca dao đó không phải nói về chuyện “gian lao vất vả” mà được hiểu là sự “vội vã” của người con trai. Lý do, theo tác giả: “Chất hài của Nam bộ khác với chất hài của Bắc bộ, không phải do thiếu năng lực tư duy, mà do sở thích “bông đùa”, muốn cho cuộc sống bớt căng thẳng”.
Về “địa danh Nam bộ”, ở trang 121, tác giả nhắc tới từ “Châu Thành” rất riêng ở ĐBSCL: “Địa danh Châu Thành là từ chỉ một vùng đất nằm giáp ranh một đơn vị trung tâm, thường là thành phố hay thị xã của một tỉnh. Hầu hết vùng ĐBSCL đều có một đơn vị hành chính gọi là huyện Châu Thành, ngoại trừ Vĩnh Long”. Tác giả dẫn tiếp mấy câu ca dao Nam bộ có nhắc tới hai tiếng Châu Thành: “Bước xuống bắc Mỹ Tho thấy sóng xô, nước đẩy/ Bước lên bờ Rạch Miễu thấy nước chảy, cây xanh/ Anh biết chắc nơi đây là đất Châu Thành/ Sao tìm hoài không thấy trong đám bộ hành bóng em”.
Với cuốn sách thứ tư về Nam bộ này, TS.Huỳnh Công Tín - người thầy giáo say mê văn hóa Nam bộ, vùng đất quê nhà - dường như muốn gửi tới bạn đọc một “tiếng lòng” qua lời đề từ cho tập sách:
“Từ bên này sông Tiền, đã quen xuồng ghe, kinh rạch
Qua bờ kia sông Hậu, sao quên tiếng nói phương Nam…”
Huỳnh Kim
Bình luận (0)