Tiếng nói trẻ em làm thay đổi nhận thức của người lớn

Vũ Thơ
Vũ Thơ
11/09/2023 06:00 GMT+7

Phát biểu tại Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ nhất, năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện quyền trẻ em.

Sáng 10.9, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ nhất, năm 2023.

ĐỀ XUẤT NHIỀU GIẢI PHÁP BẢO VỆ TRẺ EM

Phát biểu tại phiên họp, chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, cho biết dù là phiên họp giả định, nhưng tất cả những ý kiến phát biểu tại phiên họp hôm nay đều thực chất, sinh động, thể hiện suy nghĩ, mong muốn, nguyện vọng của trẻ em. Qua đây, Ban tổ chức mong muốn tạo môi trường để các em rèn luyện các kỹ năng: phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề, kỹ năng phát biểu, trình bày trước công chúng.

Tiếng nói trẻ em làm thay đổi nhận thức của người lớn  - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà các đại biểu thiếu nhi tham gia phiên họp giả định

Ngọc Thắng

Tại phiên họp toàn thể, các đại biểu thiếu nhi đã đóng vai đại biểu Quốc hội và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội, Chính phủ để đề ra những giải pháp và làm rõ các vấn đề được "cử tri trẻ em" quan tâm, gồm: "Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em" và "Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng".

Phiên họp giả định được diễn ra như phiên họp Quốc hội chính thức với sự điều hành của em Lê Quang Vinh, Phó chủ tịch "Quốc hội trẻ em", và phát biểu khai mạc, bế mạc của Chủ tịch "Quốc hội trẻ em" Đặng Cát Tiên. Các đại biểu tiến hành hoạt động thảo luận với 8 ý kiến phát biểu, 2 ý kiến tranh luận. Trong đó có giải trình của Bộ trưởng trẻ em Bộ LĐ-TB-XH, Bộ trưởng trẻ em Bộ TT-TT và Phó thủ tướng Chính phủ trẻ em đã tiếp thu, làm rõ các vấn đề đại biểu trẻ em quan tâm.

Tranh luận về các giải pháp tăng cường vai trò của nhà trường trong phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em, đại biểu Phạm Nguyễn Gia Hân (TP.Đà Nẵng) cho rằng nhiều trẻ em rất ngại chia sẻ với thầy cô, bạn bè về vấn đề mà mình gặp phải nên việc để trẻ em tham gia talkshow nhằm nói lên vấn đề của mình sẽ rất khó khăn. "Vì vậy, cần phát triển trung tâm tư vấn tâm lý học đường ở tất cả các trường học, có bác sĩ tâm lý chuyên nghiệp để giúp học sinh giải quyết những vấn đề khó khăn của mình", đại biểu đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Tường (tỉnh Đồng Nai) cho rằng trong thời đại công nghệ số, chúng ta không thể cấm trẻ em tham gia không gian mạng, như thế sẽ hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức. Tuy nhiên, trẻ em vào internet phải đối mặt với không ít nguy cơ rủi ro, bị xâm hại. Trước thực trạng đó, đại biểu đề xuất các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn vai trò nhằm đảm bảo cho trẻ em được tương tác an toàn, lành mạnh và sáng tạo trên không gian mạng.

Kết thúc phiên họp, các đại biểu trẻ em đã thông qua Nghị quyết Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ nhất, năm 2023. Nghị quyết này được xem như một báo cáo kiến nghị của cử tri đặc biệt gửi lên Quốc hội về các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Tiếng nói trẻ em làm thay đổi nhận thức của người lớn  - Ảnh 2.

Anh Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, giao lưu với đại biểu trẻ em tại chương trình

KỊP THỜI TỔ CHỨC CÁC PHIÊN GIẢI TRÌNH

Phát biểu sau khi theo dõi phiên họp giả định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết rất xúc động và ấn tượng với phiên họp của các em bởi diễn ra như một phiên họp chính thức. "Sự thể hiện xuất sắc của các đại biểu "Quốc hội trẻ em" đã cho thấy mô hình Quốc hội giả định đã thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai. Thực tế cho thấy, tiếng nói của trẻ em đã làm thay đổi nhận thức của người lớn và góp phần làm thay đổi thế giới", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, ý kiến thảo luận của các đại biểu "Quốc hội trẻ em" và đặc biệt là Nghị quyết của phiên họp giả định cũng là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành các chính sách pháp luật về các vấn đề có liên quan tới trẻ em.

Phiên họp có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Các ủy viên T.Ư Đảng: ông Trần Hồng Hà, Phó thủ tướng Chính phủ; ông Phạm Tất Thắng, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận T.Ư; bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT-TT; bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ VN; ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ.

Về phía Ban tổ chức có ông Bùi Văn Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng thư ký kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư trong việc thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em. Đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức Đoàn thanh niên và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, thực hiện tốt một số nội dung. Trong đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách, pháp luật, các chương trình, đề án về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, quan tâm, đầu tư các nguồn lực, cả về ngân sách và con người để thực hiện công tác trẻ em.

Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, kịp thời tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề thời sự cấp bách có liên quan đến trẻ em.

Tiếng nói trẻ em làm thay đổi nhận thức của người lớn  - Ảnh 4.

Trẻ em đóng vai đại biểu Quốc hội trong phiên họp giả định để bày tỏ ý kiến của mình

"Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vấn đề nổi lên trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nhất là những vấn đề đã nêu tại Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ nhất; rà soát để hoàn thiện, chỉ đạo thực hiện các chính sách chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, con em công nhân, người lao động", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.