'Tiếng núi' của Kawabata - ta đã làm chi đời ta

27/10/2022 09:03 GMT+7

Năm năm viết cuốn tiểu thuyết Tiếng núi có lẽ cũng là năm Kawabata bắt đầu cảm nhận thực rõ cái tuổi già sắp đến, đồng thời nhìn vào những bi kịch con người phải đối diện khi bước qua cái ngưỡng ấy, mà có lẽ hãi hùng nhất là niềm tiếc nuối khôn nguôi.

Tiếng núi là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Kawabata Yasunari - nhà văn Nhật đầu tiên nhận giải Nobel Văn học. Cuốn tiểu thuyết được đón nhận từ cả đông đảo độc giả đất nước mặt trời mọc lẫn giới phê bình văn học, đồng thời nhanh chóng nhận nhiều giải thưởng quan trọng. Tác phẩm xoay quanh những ẩn ức hiện sinh của một người đàn ông tới tuổi xế chiều về sự sống - cái chết, về những nuối tiếc muộn màng trước cuộc đời đang dần rơi rụng.

Còn món quà nào quý giá hơn đối với một người đã nghe thấy tiếng núi của đời mình?

đ.a

Kawabata bắt tay vào viết Tiếng núi năm 1949, tức là vào độ tuổi ngũ thập (ông sinh năm 1899). Cuốn tiểu thuyết được đăng dài kỳ trên tạp chí đến năm 1954 thì hoàn thành. Năm năm viết cuốn tiểu thuyết ấy có lẽ cũng là năm Kawabata bắt đầu cảm nhận thực rõ cái tuổi già sắp đến, đồng thời nhìn vào những bi kịch con người phải đối diện khi bước qua cái ngưỡng ấy, mà có lẽ hãi hùng nhất là niềm tiếc nuối khôn nguôi. Tiếng núi có lẽ đã được nên hình nên dạng từ những trăn trở ấy của Kawabata.

Cuốn sách lần theo những năm tháng cuối cuộc đời của Shingo Ogata, một doanh nhân, sáu mươi hai tuổi. Mặc dù hãy còn khỏe, nhưng Shingo cảm thấy rất rõ những dấu hiệu của tuổi già, và thậm chí là cả cái chết. Trí nhớ của ông dần dà suy yếu: ông chật vật mà không nhớ nổi tên và gương mặt của cô người làm mới nghỉ, dù sự việc xảy ra mới chỉ năm ngày trước. Kawabata tả Shingo giống như một đứa trẻ, bắt đầu không tự làm được nhiều thứ, và phải phụ thuộc vào những người trẻ hơn: vợ, con dâu và con trai có phận sự lấp đi những khoảng trống trong ký ức của ông; thậm chí ông quên luôn cả cách thắt cà vạt, dù bàn tay đã quen làm việc đó suốt bốn chục năm nay.

Cái chết cũng chờn vờn trước Shingo: năm tròn sáu chục ông ho ra máu; rải rác trong cuốn tiểu thuyết là cái chết của những người bạn cùng thế hệ, những đám tang mà Shingo hoặc dự vào, hoặc nhớ lại; những nghiền ngẫm về cái chết và cách đối diện với nó, như khi Shingo nghĩ về người bạn bị ung thư gan nhờ kiếm xyanua để tự kết thúc cuộc đời mình, hay về người bạn phát điên vì nhổ tóc bạc. Dấu hiệu dứt khoát nhất, dù cũng mơ hồ nhất, chính là tiếng núi mà Shingo nghe thấy trong đêm: “Nó giống như tiếng gió ở xa, nhưng lại mang một sức mạnh ngầm, sâu thẳm tựa tiếng đất rền. [...] tiếng động ấy mách cho ông biết về ngày tận số của mình”.

Đời sống tuổi già bỗng mở ra bao nhiêu nan đề. Nhưng phản ứng của Shingo lại là trù trừ và do dự. Con gái Fusako ôm con về nhà vì người chồng phá phách, ông không chịu tìm cách giải quyết. Tờ đơn ly hôn đã đầy đủ con dấu, mãi đến khi nghe tin người con rể tự tử, Shingo mới đem đi nộp, dù luôn để sẵn trong cặp táp. Ông tìm đến trước nhà nhân tình của con trai, nhưng rồi dùng dằng không vào, và chỉ gặp cô nhân tình Kinuko ấy khi biết cô đã có thai. Thậm chí trong đêm Shuichi gọi vợ thảm thiết, Shingo đã tỉnh nhưng ông vẫn nằm im, bởi “ông chợt nhận ra nếu mình dậy mở cổng thì sẽ không hay”, rằng “Kikuko mà dậy được thì sẽ tốt hơn cả”. Ở sự trù trừ của Shingo, ta thấy ông hết sức quan tâm đến thể diện, thậm chí đặt nó lên trên những vấn đề thực tại. Nhưng sâu xa hơn, đó còn là hi vọng muốn níu kéo cái trật tự cũ của một thế giới đã thay đổi vĩnh viễn. Cái ước mơ của Shingo, có thể tóm gọn lại trong những lời ông nói với Kikuko nhân chuyện hạt giống hoa sen: “Không biết người ta có thể bị vùi vào lòng đất và nghỉ ngơi ở dưới đó không nhỉ. Năm mươi nghìn năm sau thức dậy, biết đâu những khốn quẫn của bản thân, những nan đề của xã hội đều đã được giải quyết sạch sẽ, thế giới đã trở thành thiên đường”. Quả là một khao khát ngây thơ trong một thế giới đang dần suy tàn và hư mục, và chính bởi thế, mà Shingo luôn trễ tràng trong mọi sự.

Trong cuốn tiểu thuyết, Shingo mơ rất nhiều. Nếu không phải mơ về cái chết, thì đấy thường là giấc mơ trong đó ông được gần gụi với một cô gái nào đó, nhưng không bao giờ nhớ được mặt hay tên. Điểm chung của các giấc mơ về cô gái trẻ ấy là có sự động chạm xác thịt, nhưng luôn theo cách nhạt nhẽo đến mức “không thể gọi là dâm đãng được”. Những giấc mơ của Shingo là sự chuyển hóa những khúc mắc trong đời thực của ông. Nhưng sâu xa hơn, cái cảm giác nhạt nhẽo ghê gớm mà chúng đem lại, có vẻ không gì khác ngoài sự thối rữa và băng hoại của cái đẹp mà Shingo đã cầm giữ quá lâu. Dục vọng đuổi theo cái đẹp ấy là một chấp niệm, và theo những cách lắt léo nhưng vẫn có thể cảm thấy, nó đã hủy hoại cuộc đời con cái ông.

Nhưng rồi, Shingo cũng đủ can đảm vượt thoát khỏi cái chấp niệm ấy, mà rõ nhất là việc ông bảo con dâu và con trai hãy ra ở riêng, như một cách để cắt đứt mối liên hệ của ông với Kikuko, mà thực ra chính là liên hệ với cái đẹp của thuở thiếu thời. Thậm chí khi cô con dâu Kikuko thẳng thừng nói muốn được chăm sóc ông thỏa thích, Shingo vẫn đáp lại: “Đó sẽ là điều bất hạnh đối với con.” Vứt bỏ chấp niệm lớn nhất đời mình, Shingo nói “Kikuko cần phải được tự do hơn từ bố, và bố cũng cần phải để cho Kikuko được tự do hơn".

Cuốn sách kết thúc bằng cảnh Shingo gọi nhưng Kikuko không nghe thấy vì tiếng rửa bát đĩa. Một chi tiết rất mơ hồ, như vô số những chi tiết khác trong cuốn tiểu thuyết kỳ công này. Kawabata đã viết bằng một thứ văn phong nhẹ nhàng và bình thản, ngay cả những chỗ nhân vật của ông giận dữ hay tuyệt vọng. Cuốn sách đi qua từng ấy biến cố trong chặng cuối đời của Shingo với một giọng thong thả, nhưng hẳn là rất mạnh, thì mới có thể che giấu bên dưới nó những cảm xúc dữ dội thường trực chuyển động. Vậy ta nhìn thấy điều gì từ chi tiết cuối kia? Từ đầu đến cuối sách, Kikuko luôn theo sát cha chồng, luôn có mặt ngay khi ông gọi đến. Sự không nghe thấy kia của Kikuko đánh dấu một cuộc giải phóng trọn vẹn, cho cả cô lẫn cho Shingo. Với Kikuko, đó là cuộc đời tự do phơi phới phía trước. Còn với Shingo, đó là niềm thanh thản. Còn món quà nào quý giá hơn đối với một người đã nghe thấy tiếng núi của đời mình?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.