Tiếng rao đờn

19/02/2012 03:23 GMT+7

Ở miền Tây Nam bộ, từ “đàn” bị phát âm thành “đờn”, đờn ông, đờn bà, nhất là các loại nhạc cụ thì đờn cò, đờn kìm, đờn nhị, đờn bầu… nghe riết thấy nó quê mùa đến đậm đặc, chả nghệ thuật tí nào.

Ở miền Tây Nam bộ, từ “đàn” bị phát âm thành “đờn”, đờn ông, đờn bà, nhất là các loại nhạc cụ thì đờn cò, đờn kìm, đờn nhị, đờn bầu… nghe riết thấy nó quê mùa đến đậm đặc, chả nghệ thuật tí nào.

Ở miền Tây, động từ được sử dụng nhiều nhất có lẽ là “chơi”. Cái gì cũng chơi, làm chơi, ăn chơi, nhậu chơi…, chơi nguyên chai “gụ” (rượu), chơi hết cặp “dzịt”, chơi nửa đám ruộng, chơi mày luôn… Cho nên người nghệ sĩ đánh đờn ở miền Tây kêu bằng “chơi đờn”, chơi thôi. Bởi vậy ca cổ ở miền Tây kêu bằng ca tài tử, nghĩa là ca chơi cho “dzui” thôi.

Ở miền Tây, người ta gọi nhau bằng thứ: anh hai, chị ba… nhưng để phân biệt anh hai này với anh hai khác, phải kêu thêm một chữ nữa, như kiểu biệt danh. Theo đó mấy anh chơi đờn thường chết tên với cây đờn của mình, anh Ba đờn cò, chú Bảy đờn kìm, anh Hai nhị, ông Tám đờn bầu… nghe thân thương lắm, như người thân trong nhà vậy.

Ở miền Tây, trong từng bài vọng cổ, chơi đờn người ta kêu bằng “rao”, “nghe tiếng đờn ai rao sáu câu…”. Rao đờn. Rao cho từng cung âm, rao cho từng bản nhạc, rao cho từng điệu hát, rao cho mỗi giọng ca. Rao để hát, mà cũng có thể rao chơi. Rao cho đám, rao trên sân khấu mà cũng có thể rao cho chính mình (mình ên), rao đỡ buồn. Người ca vọng cổ chỉ cần nói nhỏ: “chú rao giùm tui câu xề”, “anh rao cho em câu năm”, “anh rao giùm tui điệu hoài lang” là rao lên tiếng đờn. Giọng ca có lúc thăng lúc trầm, lúc vui lúc buồn thì điệu đờn rao cũng theo từng cung bậc. Người từng trải làng vọng cổ thường nói “cây đờn có hồn, đã cầm đến nó thì chết mới buông ra được”. Mà thiệt, người chơi đờn không ai bỏ được, chơi riết. Người chơi rành thì tiếng rao đờn có hồn lắm, nghe là biết ngay tiếng rao của ai, không lẫn vào đâu được.

Người ca vọng cổ, ca hay thì được kêu bằng nghệ sĩ, được lên sân khấu, truyền hình, thay hình đổi dáng, son phấn điểm trang, trở nên sang trọng, giàu có và nổi tiếng nhưng người rao đờn thì vẫn vậy, âm thầm, khuất mặt, vẫn cặm cụi hằng đêm với tiếng rao đờn của mình. Bàn tay như vừa buông cây cuốc, cái liềm; bàn chân nứt nẻ như vừa bước từ ruộng lên, và tiếng rao đờn vẫn vậy, không thay đổi bao nhiêu.

Nghe vọng cổ, nghe thêm tiếng rao đờn nó mới hay, mới ngấm, mới sướng... Giọng ca thì có thể giả, nhưng tiếng rao đờn thì không thể, nó thiệt tình lắm. Đối với kẻ rao đờn thì sân khấu đèn hoa không bằng hơn chiếc chiếu trải bên bờ kinh, bờ ruộng hay giữa vườn cây trái, bên mấy người bạn ca xóm giềng, sau một ngày đồng áng, nâng cùng nhau chén “gụ”. Giọng đờn rao, cũng từ đó mà đẫm cái hồn quê, cái tình người của xứ đồng bằng sông rạch, nằng nặng phù sa. Giọng đờn rao cũng từ đó mà mênh mang, mà phóng khoáng, mà thiệt thà như con người miền Tây vậy.

Đàm Hà Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.