Hôm rồi tôi tình cờ gặp lại vợ chồng Nga, cô bạn gái vốn thân thiết từ hồi còn đi học. Cả hai người là bạn chung lớp từ bé, ra trường thì kết hôn. Nga vẫn giữ được dáng người gọn gàng, nét mặt khá trẻ so với tuổi. Hỏi bí kíp nào mà không bị “sổ sữa” như đa số phụ nữ độ ấy, Nga gượng một nụ cười buồn: “Ờ thì mình đã mang bầu sinh con gì đâu mà nở nang”...
tin liên quan
Vợ chồng trăm tuổi không rời xa nhau dù chỉ một ngàyVợ chồng cụ ông cụ bà 100 tuổi đến từ Trung Quốc khiến nhiều người nể phục khi suốt 81 năm chung sống hạnh phúc, họ không rời xa nhau dù chỉ một ngày.
Chưng hửng khi nghe Nga tâm sự. Lấy nhau hơn mười năm mà vẫn là vợ chồng son rỗi, do bị hiếm muộn đường con cái. Chạy chữa đã nhiều nhưng không kết quả, dù biết rõ lý do. Nên trong khi các gia đình khác chộn rộn, bận bịu mệt mỏi vì con cái, vợ chồng Nga vẫn rảnh rỗi tung tăng với cảnh hàng quán như thuở hẹn hò.
Nghe thì thấy thích đấy. Rằng mỗi sớm mai thức dậy bên nhau, có thể nằm nướng thêm chút nữa, không phải lo vội vàng chuẩn bị này nọ rồi đưa con đi học. Vợ chồng thong thả ăn sáng. Nga có thể dành nhiều thời gian cho bản thân, tắm táp, trang điểm. Trưa ngủ thẳng giấc ở văn phòng, không phải nơm nớp lo con giờ này ở nhà trẻ có ăn uống vệ sinh hoặc an toàn tuyệt đối chăng. Chiều tan sở vợ chồng mạnh ai nấy bung.
Tự kiếm “độ” cùng ăn tối hoặc tiếp khách, bia bọt gì đấy. Hầu như chỉ còn có dịp cuối tuần để vợ chồng cùng ngồi trong căn bếp nhà mình, nấu nướng rồi ăn với nhau một bữa cơm gia đình đúng nghĩa. Mà cũng hiếm hoi lắm. Ít người quá, làm biếng bày biện, đụng đũa được mấy lần đâu mà phải tốn công dọn dẹp. Thà ra ngoài hàng quán, còn thấy đông đúc ồn ã, vui hơn, đời hơn rất nhiều...
Nhớ hồi xưa, Nga là một trong vài thiếu nữ sáng giá nhất trong lớp. Chồng Nga sở hữu bề ngoài cũng bình thường, có phần kém hơn nếu đặt bên cạnh cô gái hoa khôi ngày ấy. Chồng đã phải “cầm cưa” vô cùng nhiệt tình và lâu dài mới chiếm được trái tim Nga. Cưng vợ như trứng mỏng, Nga được chồng yêu chiều đến phát ganh tị.
Thuở ấy nhà Nga cũng tương đối ổn hơn so với gia cảnh bên chồng nên ngày cưới, nhiều người hồ hởi chúc mừng chú rể đã loại được bao nhiêu là đối thủ nặng ký để đưa Nga về dinh. Nga cười rạng rỡ bên lựa chọn của mình, dường như chẳng có nỗi so đo tính toán nào ẩn giấu trong vẻ hài lòng của Nga thuở ấy...
Giờ nhìn hai vợ chồng, người tinh ý đủ nhận thấy Nga đã có chút gì đó “chiếu dưới”. Ngồi chung bàn nhậu, người để ý gắp tiếp thức ăn, là Nga. Người chủ động hỏi bạn đời có còn cần gọi thêm thức này thức kia nữa không, là Nga. Người hỏi han xem bạn đời có mệt chưa, vẫn là Nga. Điều quan trọng nhất, người đưa mắt ngó quanh để xem bạn đời có bị ai đó khác phái tăm tia bật đèn tấn công hay không, cũng là Nga...
Phải thôi. Chồng Nga giờ là sếp phó của một sở, ăn nên làm ra. Nga trở thành nữ chủ nhân của một cơ ngơi nho nhỏ, đủ đầy. Nhà không còn thiếu tiện nghi gì, chỉ vắng mỗi tiếng khóc cười của con trẻ...
Mà cuộc hôn nhân dằng dặc hơn mười năm ròng, có tương kính, có giữ gìn, có hâm nóng cỡ nào đi chăng nữa thì cũng phải nguội dần, nguội dần những hăm hở mặn nồng. Khi mà câu chuyện của hai vợ chồng Nga ngày càng ít đề tài đi, chỉ mãi xoay quanh tài sản, làm ăn, tích cóp, nhà cửa, đất đai, công việc. Khái niệm “nội ngoại” cũng thấy lừng chừng. Đã có con đâu mà kêu nội hay kêu ngoại bây giờ...
Là do Nga khó sinh nở. Điều ấy, trước khi lấy chồng, Nga nhìn vào cái chu kỳ hằng tháng thất thường của mình là cũng đủ để phán đoán. Nga không giấu chồng. Thậm chí còn khuyên anh ấy suy nghĩ lại. Đừng để sau này hối hận rồi dằn hắt. Nhưng tình yêu thuở đó mạnh lắm. Lớn lắm. Tuổi trẻ mấy ai đắn đo vì hai chữ “con cái” mơ hồ mà chẳng dám đến với nhau. Vô lý. Nên chồng Nga phẩy tay, chuyện nhỏ. Để mai tính. Bây giờ y học phát triển quá chừng, lo gì chuyện sinh nở đâu nào...
Bây giờ, tôi tần ngần rồi cũng hỏi một câu văn hoa rằng, Nga có hạnh phúc không? Cô bạn cũ ngượng ngập một lát, rồi loay hoay tựa như khó tìm được câu trả lời vẹn toàn. Nói là không thì chẳng phải. Vợ chồng Nga vẫn dịu ngọt với nhau như hồi mới cưới. Vẫn đồng hành cùng nhau chén thù chén tạc. Coi phim. Du lịch. Bao nhiêu người xung quanh ao ước được ung dung tự tại như thế đấy thôi.
Chỉ riêng Nga là hiểu, có một cái gì đó mong manh mơ hồ nhưng đã bắt đầu manh nha trong mối quan hệ. Nga dần dà đâu đó một chút mặc cảm xa xăm. Là do lỗi của mình. Là do mình không thể làm mẹ nên chồng mình tới tuổi này vẫn chưa được nếm trải cảm xúc người đàn ông trưởng thành, lấy vợ, sinh con... Điều bình thường đến tầm thường, bao người trong thiên hạ có được, mà Nga thì...
Điều an ủi là chồng Nga vẫn luôn nâng niu, nhẹ nhàng. Âu yếm, trân trọng. Mỗi khi Nga định mở miệng xa gần một câu gì đấy về tương lai, là anh đã “đi tắt đón đầu”, nói hộ Nga bao điều khó gỡ. Nga đành rúc vào lòng chồng, thổn thức, tự hỏi ông trời tại sao lại không thể rộng rãi với vợ chồng cô thêm một chút nữa.
Chồng Nga chưa từng một lần trách móc. Vẫn đồng hành cùng vợ chữa trị, thuốc thang. Gia đình hai bên không ai điều tiếng gì. Họ hiểu và tôn trọng cuộc sống riêng của vợ chồng Nga. Mỗi cây mỗi hoa, trời chẳng cho ai tròn vẹn cái gì. Nga nói thế, rồi buông một tiếng thở dài, thật thương...
Bình luận (0)