|
Cuốn sách gồm 2 phần: Phần thơ và phần phê bình của tác giả đối với các tác phẩm văn học và báo chí từ năm 2010 đến nay. Ở phần phê bình, có thể thấy rõ Nguyễn Hồng Vinh gắn liền với những dấu mốc lịch sử của đất nước, dân tộc trong thời kỳ cách mạng, sự đam mê với nghề viết, nghề báo luôn cháy trong người ông, giữ cho ông luôn trẻ mãi với nghề.
Ở phần thơ, 53 bài thơ là tiếng lòng giàu cảm xúc, lãng mạn và tươi mới của ông: "Vẫn biết giao mùa, cánh hoa đâu tươi nữa/Hồn thơ anh lại truyền nhựa vào cây/Thời gian trẻ cùng cánh hoa mãi thắm/Và dòng thơ cứ tuôn chảy tháng ngày..." (Cánh hoa). Với ông, thơ chính là phương thức để ông giao cảm với thiên nhiên và cuộc sống quanh mình: "Thơ đưa tôi ra biển/Lại vòng về sông quê/Sóng lòng hòa con nước/Tiếng ai gọi canh khuya?" (Theo dòng thơ anh).
Có thể thấy hơi thở của đời sống xã hội rất rõ trong thơ Hồng Vinh. Có những sự kiện mang tính thời sự được ông "mềm hóa" vào thi ca: "Nào ai biết từ đêm đông ảm đạm/Để rồi trời Tây một sáng tháng 5/Hội trường lặng im nghe giọng nói trầm hùng/Về một công trình toán học/Cả Hội đồng tôn vinh "người Việt tài danh"!" (Tình khúc mùa đông).
Thậm chí, những mặt trái xã hội cũng được ông đau đáu phản ánh: "Những khổ đau, oan trái/Giữa cái thiện, lòng tham/Danh lợi và chức quyền/Cứ đan xen thường nhật!" (Vô đề 1). Và ông băn khoăn: "Nước lên thì thuyền lên/Dân giầu là nước mạnh/Nhưng đâu khỏi băn khoăn/Có người một túi xách/Bằng mười nhà tặng dân" (Tản mạn đầu xuân).
Thơ của Nguyễn Hồng Vinh đa dạng về đề tài, trong đó có nhiều bài thơ đậm chất hào sảng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần dân tộc. Đó là hình ảnh của người lính cụ Hồ, giữa thời bình vẫn chắc tay súng ra tiền tiêu: "Vọng gác anh giữa trùng khơi mờ sương/Gió cắt thịt da xiết vào nỗi nhớ/Súng chắc tay, có hậu phương điểm tựa/Và cùng em, Tổ quốc mãi mùa xuân!" (Xuân trong người lính đảo).
Bên cạnh tình yêu quê hương đất nước, còn có sự đan xen thể hiện tình cảm giữa các nhân vật trữ tình: "Ruộng đã lên xanh từ ngày ấy/Nối nhau mùa gặt nếp hương nồng/Mái tóc bay bay chiều buông tím/Bóng em xanh mãi, mát dòng sông" (Bâng khuâng thu).
Trong bộn bề của cuộc sống và vượt lên sự tầm thường, Hồng Vinh vẫn giữ vững một niềm tin về tương lai tươi sáng, vật chất sẽ tan biến và chỉ còn lại trên hết là tình cảm người với người: "Ngẫm ra đều phù vân/Hão huyền và ảo tưởng/Chỉ tình người còn đọng/Giữa bộn bề trái ngang" (Vô đề 3).
Có thể nói, chính ngọt ngào và cay đắng, hạnh phúc lẫn khổ đau của đời sống đã chắp cánh cho tâm hồn thơ Nguyễn Hồng Vinh bay bổng và tạo nên: "Mật ngọt của trang văn/Có khi trong một chữ/Vật vã bao ngày đêm/Chắt từ Đời và Sách!" (Tản mạn về nghề).
Bình luận (0)