Tiếng trống đêm ở Trác Bút

17/03/2015 09:35 GMT+7

Từ vùng đất thuần nông, chỉ xem việc học là để xóa mù chữ, nhưng nhờ tiếng trống đêm báo học bài mà giờ đây, Trác Bút (H.Yên Phong, T.Bắc Ninh), đã trở thành nơi có truyền thống hiếu học.

Từ vùng đất thuần nông, chỉ xem việc học là để xóa mù chữ, nhưng nhờ tiếng trống đêm báo học bài mà giờ đây, Trác Bút (H.Yên Phong, T.Bắc Ninh), đã trở thành nơi có truyền thống hiếu học.

 
Nhờ tiếng trống đêm, ở Trác Bút không còn học sinh bỏ học
Nhờ tiếng trống đêm, ở Trác Bút không còn học sinh bỏ học - Ảnh Trần Hồ
Trước đây, người dân ở địa phương này quan niệm học chỉ để biết đọc, biết viết nên hầu như chuyện học hành ở đây không được coi trọng. Năm 1996, thầy Nghiêm Đình Sáu, Hiệu trưởng trường cấp 2, thị trấn Chờ, H.Yên Phong, TP.Bắc Ninh đã đặt vấn đề với chính quyền địa phương về việc mở tiếng trống học ban đêm, khuấy động phong trào học tập, chọn Trác Bút làm nơi thí điểm đầu tiên trong huyện. Họ đã lập ra Hội đồng giáo dục thôn Trác Bút, sau này là Hội khuyến học, do ông Nguyễn Văn Hiển, là một thầy giáo của trường, làm Hội trưởng. Ông Hiển chia sẻ: “Trước đây học sinh bỏ học nhiều lắm, rất ít gia đình có con em học cấp 3 đừng nói đến học đại học. Sau khi có tiếng trống, ý thức người dân tốt hơn, không còn em nào bỏ học, nhiều học sinh giỏi, đỗ đại học tăng dần lên”.
Ông Mẫn Bá Khán, Trưởng thôn Trác Bút cũng cho biết: “Đầu tiên khi có tiếng trống báo học bài trong đêm, người dân trong thôn ai cũng lạ lùng, bỡ ngỡ, nhưng rồi đã hưởng ứng cao. Nhờ có tiếng trống không chỉ có việc học, mà các hoạt động sinh hoạt cũng đi vào nề nếp”.
Ở Trác Bút, đúng 19 giờ tiếng trống vang lên, tất cả mọi việc của gia đình đều dừng lại, từ xem tivi đến nói chuyện to, các loa đài đều tắt, không gian của thôn yên tĩnh đến lạ thường. Trong góc học tập, các em ngồi ngay ngắn không ai chuyện trò, mỗi em một góc riêng ngồi học bài, rất nghiêm túc. Anh Nguyễn Văn Huê, một hộ dân trong thôn cho biết: “Nhờ có tiếng trống báo học bài hằng đêm, 2 con tôi đều học giỏi”.
Từ khi có tiếng trống, tỉ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học ở đây tăng dần theo từng năm. Riêng năm 2014 có 25 học sinh đỗ vào các trường ĐH lớn tại Hà Nội như: Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế quốc dân… Hiện nay, làng đã có nhiều cử nhân ra trường, có công việc ổn định, thu nhập khá. Bên cạnh đó, số lượng học sinh khá giỏi ngày càng nhiều, một số em đạt danh hiệu cao tại các kỳ thi tỉnh, quốc gia và nhiều giải thưởng khác…
Đặc biệt, trong thôn không có học sinh nào bỏ học. Không chỉ có vậy, tiếng trống đêm còn làm cho tình đoàn kết, ý thức của người dân tốt hơn. Lứa tuổi thanh, thiếu niên không ai phạm tội, chuyện xích mích hàng xóm láng giềng cũng rất ít xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Hiển cho biết, là nơi đầu tiên xuất phát tiếng trống đêm, sau khi hiệu quả, phong trào này đã được mở rộng ra toàn huyện và trong cả tỉnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.