Tiếng trống Ma - Truyện ngắn của Hoàng Trọng Dũng

16/07/2011 20:19 GMT+7

1. Sau bao nhiêu lần khám kỹ lưỡng vẫn không phát hiện bất kỳ thứ gì bất bình thường trong tai tôi, ông bác sĩ nửa đùa nửa thật bảo tôi bị “hội chứng trống”.

>> Mời các bạn nghe đọc toàn bộ tác phẩm

Tôi sẵn sàng đánh cược, rằng trong y điển nhân loại chưa từng xuất hiện căn bệnh có tên “hội chứng trống”. Bác sĩ bảo không cái gì không có lần đầu tiên, biết đâu sau này người ta còn lấy tên tôi để đặt tên căn bệnh.

Sự tình diễn ra rất đơn giản. Trong một giấc mơ, tôi nghe thấy những tiếng trống. Cuộc đời con người có ai lại chưa từng nghe tiếng trống? Trống khai trường, trống hội, trống đám, trống múa lân… Rồi những tiếng chát chát bum bum trong một sắp ca trù, những hồi tùng tùng trên sân khấu tuồng… Vậy nên nếu tôi mơ thấy tiếng trống thì cũng chẳng có gì lạ.

 

Minh họa: Tuấn Anh

Nhưng lạ là kể từ đó, tai tôi không ngừng vang lên những tiếng trống, thúc bách, dồn dập từng hồi. Những tiếng trống quấy rầy, vô cùng khó chịu. Không điếc, không nghễnh ngãng, nhưng lời nói của người đối thoại luôn bị những tiếng trống gây nhiễu, khiến tôi dầu tập trung hết mức, vẫn câu được câu mất.

Đặt lưng xuống giường, vừa thiu thiu tôi đã bị những tiếng trống đánh thức. Dễ hiểu là tôi mỏi mệt và gầy đi nhanh chóng.

Một cách nào đó thì tôi đang bị tra tấn. Một cách nào đó…

Quê tôi là một làng quê nghèo. Một vài rẻo đất cằn, người ta thử cấy lúa. Nhưng những cây lúa xác xơ không mọc lên nổi chứ đừng nói chi chuyện đâm bông. Thứ gọi là lúa ấy trâu chê bò chê, chúng thà gặm những bụi cỏ chỉ còn trơ gốc.

Người ta cũng thử nuôi gà, nhưng người còn không có cái ăn nói chi chuyện cái ăn cho gà. Những con gà trụi lông, khi gặp gió thì lăn lông lốc.

Cho đến tận giờ tôi vẫn không hiểu người làng tôi sống bằng gì. Tôi nhớ rõ, đến năm sáu tuổi tôi vẫn chưa biết mặt hạt cơm. Cả làng không một mái ngói. Cả làng hình như chưa bao giờ có tiếng cười. Người làng nói chuyện với nhau chỉ thì thà thì thầm, đi dáng liêu xiêu, mặt cúi gằm.

Thế rồi không biết người ở đâu kéo về, mang theo cờ và trống. Người ta tập hợp bọn trẻ con chúng tôi lại, bảo đánh trống hô khẩu hiệu. Vui lắm, tôi chưa bao giờ được nghe tiếng trống, chưa bao giờ được hét to. Người ta đeo chiếc trống lên lưng tôi. Hễ tôi cử động, hai chiếc quai cứ xiết lên vai, còn tang trống theo nhịp chân cứ thúc vào lưng.

Nhưng tôi không thấy rát, không thấy đau. Một đứa đi sau lưng tôi, cầm dùi trống ra sức nện. Những tiếng tùng tùng dội thẳng vào tai tôi. Trên đời này không ai lại đeo trống trên lưng. Có thể chiếc trống trên lưng báo hiệu một nghiệp chướng tôi sẽ phải gánh chịu.

Xen giữa những tiếng trống là tiếng hô đả đảo. Đả đảo bọn địa chủ, bọn cường hào…

Đêm tối om om, mảnh trăng non bị mây che khuất, le lói một thứ ánh sáng run rẩy. Con bé Na sợ hãi nấp sau cái chum. Tôi vẫn sang nhà Na múc nước từ cái chum ấy để uống. Thi thoảng nó vẫn chia cho tôi mẩu sắn. Con bé Na gầy nhưng xinh, đôi mắt thật ấm áp.

Người ta bảo bố nó là địa chủ, vì nhà nó có mảnh vườn. Mảnh vườn lèo tèo một hai cây ổi, cây bưởi, quả chua loen loét. Bố con Na đôi khi hái cho tôi một quả ổi chín. Ông còn lấy hạt bưởi xâu cho tôi và Na mỗi đứa một xâu dài đốt sáng những đêm tuổi thơ tối tăm của chúng tôi.

Các làng khác đều có địa chủ, làng tôi không thể không có. Nhiều hơn hàng xóm láng giềng một mảnh vườn, thì rành rành là địa chủ.

Không biết đứa nào đầu têu ném đá vào nhà “địa chủ”, thế là những đứa khác thi nhau nhặt gạch đá ném theo. Những người lớn đứng cười ha hả, cổ vũ. Dùi trống nện liên hồi, tiếng trống khoan thẳng vào tai khiến tôi xây xẩm, cơ hồ trời sập đất vỡ. Tiếng trống thúc giục, bọn trẻ con càng lúc càng hăng máu, gạch to gạch nhỏ thi nhau ném.

Những hòn gạch hòn đá làm vỡ cái chum. Tôi thoáng thấy bóng con Na chạy ra sau vườn. Sau này tình cờ gặp lại rồi yêu nhau, rồi thành vợ thành chồng, thấy tôi chăm chăm nhìn vào cái sẹo trên trán mình, Na nhắc lại chuyện đêm ấy và hỏi, tôi có ném đá vào nhà cô không? Rằng lúc ấy cô sợ chết khiếp. Rằng suốt đời cô vẫn chẳng thể hiểu tại sao những đứa bạn bỗng dưng trở nên ác đến thế…

Còn cậu tôi, một trong bốn đại đội trưởng đầu tiên của liên khu, vào sinh ra tử chưa từng biết sợ mà những ngày ấy lại lo sợ thắt tim. Đêm khuya, cậu tôi lấy cuốn từ điển Pháp - Việt trong ba lô lén ra vườn đào hố chôn. Cuốn từ điển dùng để học thêm tiếng Pháp ấy có thể là tang vật để quy kết tội, nhẹ nhất là tư sản, nặng hơn nhiều là phản động hoặc gián điệp.

Sau này nhờ thông thạo tiếng Pháp và tự học thêm tiếng Nga, cậu tôi xuất ngũ và trở thành một cán bộ xuất sắc ngành ngoại thương.

Khi nghe tôi kể chuyện cậu tôi, gương mặt Na buồn tê tái. Tôi luồn tay vào ngực Na vuốt ve. Hai bầu vú của Na lọt thỏm trong lòng tay tôi, nhỏ như của đứa con gái mới lớn. Na bảo, có chi để ăn đâu mà mong vú lớn.

***

2. Thời gian trôi. Lũ trẻ chúng tôi lớn như thổi, thành những trai làng. Nhưng xác dù lớn thì cái đầu của chúng tôi vẫn con nít, ngây thơ ngờ nghệch, thậm chí đần độn, tối tăm. Không phải tất cả đều như thế, nhưng chỉ vài người còn lại thử hỏi làm được gì. 

Na mất tăm từ cái đêm chúng tôi ném đá vào nhà cô. Nhiều người khác cũng bỏ làng, tha hương. Làng chỉ còn mươi nóc nhà, co cụm.

Người ta lại về, lại dong cờ mở trống. Tôi lại lấy hết sức bình sinh nện dùi vào mặt trống. Tùng tùng - rộn rã, tưng bừng, náo nhiệt. Những hồi trống ầm ầm dội vào tai tôi, vào tai dân làng. Không một thứ nhạc cụ nào có khả năng kích động đám đông như trống. Làng tôi mau chóng thành lập hợp tác xã, để tiến lên ấm no hạnh phúc.

Rồi chiếu phim. Lần đầu tiên, dân làng tôi xem phim. Những bông lúa một hợp tác xã bên Trung Hoa mập mạp, ken dày tới mức mấy đứa trẻ con ngồi lên vẫn không bị đổ. Những chiếc máy cày bên Liên Xô xới tung lớp đất nâu. Những cánh đồng lúa mì vàng rộng đến tận chân trời…

Sướng chi sướng lạ, chỉ cần vào hợp tác xã, dân làng tôi cũng sẽ như thế.

Suốt mấy ngày đêm dân làng không ai ngủ, háo hức, chờ phép mầu. Và chỉ chờ, không động chân động tay. Người này dựa dẫm, nhìn ngó người kia. Rồi lại chấm điểm bình công, nhưng có gì để mà chia. Những củ khoai bằng ngón chân cái. Những củ sắn ốm như rễ cây.

Nghe chừng còn đói hơn trước. Lác đác người này bỏ làng người kia bỏ làng.

Đang loay hoay tìm lối thoát thì đoàn tuồng về tuyển sinh. Tôi nhắm mắt xin học nhạc công. Nửa nốt nhạc bẻ đôi còn không biết, nhưng cứ liều mạng. Người ta hỏi tôi biết chơi nhạc cụ gì. Rồi người ta yêu cầu tôi chơi thử.

Trước mặt tôi, những chiếc trống to nhỏ khác nhau, lạ lẫm. Bài gì ư? Giá như tôi biết!

Tôi cầm dùi trống, cứ nhắm vào chiếc trống to nhất mà nện. Này thì địa chủ cường hào! Này thì tiến lên hợp tác xã! Này thì cái làng chết tiệt của tôi!... Na ơi, giờ này đằng ấy ở đâu?...

Tôi thoáng thấy những cái đầu lắc qua lắc lại. Người lớn tuổi nhất đưa tôi một cái trống nhỏ mà sau này tôi biết là trống cơm, giảng giải cho tôi mặt thổ mặt kim, kỹ thuật đánh chập, kỹ thuật vê rồi bảo tôi chơi thử. Tôi cố gắng làm theo ông, hy vọng. Tôi nghe ông bảo với những người khác, rằng tuy tôi chưa biết gì nhưng được cái sáng dạ. Thế là tôi trúng tuyển, nhờ lòng thương người của một người xa lạ. 

Hai năm chương trình sơ cấp. Thêm hai năm nữa cho tấm bằng trung cấp. Vừa học vừa đi biểu diễn. Mỗi đêm diễn là một đêm hội, đông nghịt khán giả. Tiếng máy phát điện nổ xành xạch. Những ngọn đèn điện sáng trưng sân khấu. Tiếng loa phát thanh oang oang đánh thức các làng quê.

Người lớn trẻ em chen nhau ngồi chờ. Các bà già vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa kể tuồng tích cho nhau. Lũ thanh niên mặt mũi trơ tráo, tay cứ rình rập tìm cách sờ vú đứa con gái ngồi trước mình. Đám con gái mặt hướng lên sân khấu nhưng hai mắt thì đờ đẫn, chả biết có nhìn thấy gì không. 

Sau mỗi đêm diễn là những nồi cháo gà dân địa phương mời. Các cô gái vừa múc cháo cho chúng tôi vừa lân la câu chuyện làm quen. Các cô nhìn chúng tôi với ánh mắt đầy ngưỡng mộ. So với đám trai làng chân lấm tay bùn, chúng tôi thuộc một đẳng cấp khác, ăn trắng mặc trơn hào hoa nghệ sĩ. Những anh đóng kép, vào các vai Kim Lân, Nhạc Phi luôn được những bát cháo đầy ứ thịt. Còn những thằng nhạc công chúng tôi khi diễn ngồi trong cánh gà không ai nhìn thấy, cả khi múc cháo các cô cũng chẳng thèm nhìn.

Tôi biết thân phận mình, có cái ăn đã là may lắm rồi. Thời ấy, tuồng đang trong thời kỳ rạng rỡ. Mà ngoài tuồng chèo cải lương ra đâu có thứ gì để người ta xem. Thầy giỏi, lại diễn nhiều, tôi tiến bộ rất nhanh. Năm này qua năm khác, tay trống của tôi thuộc hàng cự phách, xứng đáng là phó sư mỗi đêm diễn.

Tôi đã biết, tuy cùng bài bản nhưng các trường phái tuồng ít nhiều khác nhau. Cách diễn quyết định cách chơi nhạc. Các thầy Quảng Nam, Bình Định, Huế… đều hài lòng với tiếng trống của tôi. Tôi lại học thêm nhị, sáo, kèn bóp.

Khi đã thành thạo một nhạc cụ, học sang nhạc cụ khác rất nhanh. Tôi không ngờ những thứ học thêm sau này đã rất có ích cho cuộc đời mình...

***

3. Mở cửa một cái, mọi thứ ùa vào, không ngăn được. Phim ảnh, ti vi, âm nhạc, internet, karaoke… ập lên, thống trị đời sống. Sân khấu lui về phía sau, chìm dần trong bóng tối. Sân khấu tuồng y hệt chợ chiều, lác đác vài mươi khán giả mỗi đêm, mà chỉ toàn những người già.

Nhà hát xoay đủ cách, biểu diễn trích đoạn cho khách du lịch nước ngoài, lặn lội vùng sâu vùng xa… Tiếng là biểu diễn tuồng nhưng thực chất là một chương trình tạp kỹ - một chút múa, một chút hòa tấu, một hai trích đoạn tuồng…

Vắng khán giả, diễn viên nghệ sĩ chỉ làm cho xong, hát dối, múa dối.

Diễn Tạ Ôn Đình đá giáp nhưng đá không nổi, phải lấy tay hất giáp lên vai. Diễn Hoàng Phi Hổ nhưng lại mang hia đế bằng, không xiến mà cũng chẳng lía được. May là tiền lương được bao cấp. Nhưng đồng lương bèo bọt ấy như muối bỏ bể. Đời sống nghệ sĩ ngày thêm khốn đốn.

Chỉ việc kiếm đủ tiền cho hai thằng con học thêm đã khiến vợ chồng tôi bạc mặt. Những hôm không diễn, tôi rủ mấy anh em trong dàn nhạc đi thổi kèn đám. Tò te tí te, mỗi đám mỗi đứa lận lưng được vài chục ngàn.

Có dạo tôi còn chơi đàn bầu cho nhà hàng. Chơi xong nhà hàng này lại xách đàn chạy sang nhà hàng kia. Về đến nhà đã khuya lắc khuya lơ.

Tình cờ gặp lại thầy Sáu nghệ sĩ nhân dân. Thầy cười buồn bảo tôi, nếu thầy đứng bán đậu phụng rang trước rạp hát, liệu tôi có mua giùm không? Tôi nhìn mớ rau muống, mớ cá vụn trên tay thầy, hiểu câu thầy vừa hỏi. Tôi nhìn tấm thân già lụm cụm của thầy, hiểu thêm về nhân tình thế thái.

Nào đâu ông thái sư Tạ Thiên Lăng áo mão cân đai uy quyền một thuở? Nào đâu ông vua Trụ đằng đằng sát khí một thời? Sân khấu đã hạ màn, người nghệ sĩ tài danh oanh liệt một thời giờ định đi bán đậu phụng rang!

Tôi cám cảnh thầy, tôi thương thân tôi. Thế hệ của tôi bất hiếu, không giữ nổi gia tài của cha ông! Tôi gượng cười bảo, thành phố cấm bán hàng rong rồi. Thầy gượng cười, bảo thầy chỉ đứng bán một chỗ chứ có đi bán rong đâu!

Tối về nhà, tự dưng nghe thoang thoảng mùi thơm. Na giải thích cho tôi đấy là mùi thơm của kem dưỡng da. Chao ôi, kem phấn làm sao chống lại tuổi già. Càng níu kéo lại càng mệt mỏi.

Tôi vuốt mái tóc đã chớm bạc của Na. Na hất tay tôi bảo già rồi, “tuồng” vừa vừa thôi chứ!

Ừ, tuổi già đến rồi. Vợ ơi, tuồng ơi!

***

4. Trong một chuyến lưu diễn gần làng tôi, khi sân khấu hạ màn thì đã khuya lắm. Tôi nảy ra ý định chạy về nơi chôn rau cắt rốn xem thử thế nào.

Những trận gió bấc cuối mùa ào ạt thổi tới. Mưa nhỏ nhưng dày.

Không một ánh lửa. Không một nếp nhà. Không một bóng người.

Làng tôi đã biến khỏi mặt đất này!

Chính trong đêm chạy về làng đó, trong giấc ngủ mê mệt lúc gần sáng, tôi mơ thấy những tiếng trống…

Truyện ngắn của Hoàng Trọng Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.