Cái bóng của cố NSƯT Thanh Nga quá lớn, chưa kể cố NSƯT Thanh Sang cùng các NSƯT Hoàng Giang, NSƯT Hùng Minh, NSƯT Văn Ngà, NSƯT Bảo Quốc đều là những tài năng khó ai thay thế nổi. Có lẽ vì vậy mấy chục năm qua không ai dám dựng lại vở Tiếng trống Mê Linh, trừ ông bầu Gia Bảo dựng một lần với những tên tuổi Phượng Liên, Ngọc Giàu (cùng thế hệ với Thanh Nga), hoặc những nơi khác chỉ dựng trích đoạn. Lần này, Nhà hát Trần Hữu Trang ra mắt vở với một lớp nghệ sĩ trẻ hoàn toàn, quả là dũng cảm.
NSƯT Trọng Phúc và NSND Thanh Ngân trong vở Tiếng trống Mê Linh |
H.K |
Cặp đào kép chánh Thanh Ngân - Trọng Phúc đã không làm người hâm mộ thất vọng. NSND Thanh Ngân sắc vóc đẹp, giọng ca đẹp, biểu diễn tốt, đặc biệt thần thái và cách nhấn nhá những câu thoại đã làm người xem… thở phào. Trong cải lương, “nói” lại khó hơn “ca”, vì nói với những tiết tấu, nhịp điệu, trọng âm, nhấn nhá rất khó, nhất là vai Trưng Trắc với sự khiêm tốn mà uy nghi, khôn ngoan, sắc sảo, từng chữ bà phát âm ra đều là thử thách cho diễn viên. Thanh Ngân đã vượt qua mấy trường đoạn một cách đáng nể. Chỉ tiếc đoạn cuối, đúng ngay lớp diễn hay nhất mà cũng khó nhất, là lúc Trưng Trắc tế sống chồng trước khi ra lệnh xuất quân, thì Thanh Ngân đã bị mất điểm một chút. Chị hơi mạnh mẽ mà thiếu đi cái rưng rưng, đau đớn của Trưng Trắc. Đặc biệt 6 chữ “dù phải… hy sinh phu tướng” chị lại lên giọng quá mạnh, thay vì phải rất đau mới đúng tâm lý Trưng Trắc. Có lẽ Thanh Ngân cần mềm mại và sâu thẳm hơn.
Còn Trọng Phúc cao lớn, nam tính, giọng ca trầm ấm, thần thái vững vàng, kiên nghị, đúng chất một Thi Sách. Các nghệ sĩ khác như Kim Luận (Trưng Nhị), NSƯT Mỹ Hằng (Lê Chân), Kim Thùy (Thánh Thiên), Diễm Thanh (nàng Tía), Phùng Ngọc Bảy (Tô Định), Thanh Đông (Tào Quyên), Hoàng Minh Vương (Mã Tắc), Tô Tấn Loan (Đông Bản), Thanh Toàn (cụ Đô Trinh), Dũng Nhí (Chương Hầu) đều làm tròn vai.
Nhìn chung, vở diễn trung thành với bản dựng xưa gần như 100%. Khán giả đã thuộc lòng từng câu từng chữ trong kịch bản, thuộc cách nhấn nhá của từng câu thoại, cả từng cái vung tay, nghiêng mình, xoay kiếm… và họ là những “giám khảo” khắt khe. Việc dựng lại vở giúp khán giả trẻ có thể thưởng thức Tiếng trống Mê Linh trên sân khấu thực sự, chứ không thể xem mãi trên phim ảnh cũ. Một kịch bản kinh điển cũng cần thiết cho lớp nghệ sĩ trẻ luyện nghề và càng thêm động lực phấn đấu trước cái bóng quá lớn của người xưa.
Bình luận (0)