Tiếng vang từ dự án 'K0 còi'

27/10/2014 09:14 GMT+7

Với cách tuyên truyền độc đáo, hóm hỉnh và sâu sắc, dự án “K0 còi” do Ford Việt Nam khởi động từ năm 2012 ngày càng có sức lan tỏa trong cộng đồng, với nhiều thông điệp ý nghĩa, góp phần tác động vào ý thức văn hóa giao thông của mỗi người.

 Tiếng vang từ dự án 'K0 còi'
Tắc đường và tình trạng bóp còi inh ỏi là vấn nạn của giao thông Hà Nội vào giờ cao điểm - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Vũ Thu Trang, đại diện truyền thông của dự án chia sẻ, hiện rất phổ biến tình trạng tại các ngã ba, ngã tư ở đường phố Hà Nội, nhiều người thiếu ý thức bấm còi inh ỏi để giành đường đi trước, “dọa” các phương tiện khác, trong khi thời gian đếm ngược của đèn tín hiệu giao thông đang ở con số 4 giây, 3 giây. 

Không truyền thông rầm rộ, “K0 còi” lựa chọn mạng xã hội facebook là nơi để gửi gắm thông điệp và lan tỏa kết nối các bạn trẻ. Từ khi ra đời đến nay, trang Fanpage “K0 còi” đã được cộng đồng mạng ủng hộ nhiệt tình với gần 30.000 lượt like. Theo Trang, đối tượng mà “K0 còi” muốn hướng tới chính là các bạn trẻ, những người năng động và luôn sẵn sàng tiếp nhận những điều mới mẻ và văn minh, sẵn sàng thay đổi những hành vi và nhận thức thiếu tích cực của văn hóa giao thông Việt Nam.  

Khởi đầu từ cuộc thi sáng tác, sưu tầm các thành ngữ vui, hiện đại về văn hóa giao thông, “K0 còi” đã hợp tác với họa sĩ trẻ Thành Phong và cho ra đời bộ 40 tranh biếm họa theo phong cách mới. Mỗi bức biếm họa là một thông điệp về cách ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, vừa hóm hỉnh, vừa châm biếm sâu cay, đã gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng.  

Trang cho biết, sau hoạt động trên, hàng loạt các hoạt động khác như triển lãm 40 bức tranh “K0 còi” tại các trường đại học trên cả nước, hợp tác với tổ chức giáo dục phi chính phủ Live & Learn, vận động các tình nguyện viên giơ cao tranh “K0 còi” tại các ngã tư có mật độ qua lại đông đúc… đã thực sự đưa được những thông điệp tác động tích cực vào ý thức tham gia giao thông với những người cầm lái trên đường.  

Từ những thành công bước đầu, đầu năm nay, Ford Việt Nam tiếp tục phát động chiến dịch “K0 còi” lần hai bằng việc khuyến khích các bạn trẻ đưa ra các giải pháp trong trong từng tình huống giao thông cụ thể như vượt đèn đỏ, đi sai làn, va chạm xô xát trên đường, lái xe sau khi uống rượu bia, sử dụng điện thoại khi lái xe…  

Là người theo dõi hoạt động của “K0 còi” từ khi mới thành lập, Hoàng Anh (23 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “K0 còi có sức lan tỏa cộng đồng mạng nhưng các hoạt động còn đơn điệu, chủ yếu trên thế giới “ảo”, nhiều khi chỉ hô hào khẩu hiệu, thiếu những hoạt động tuyên truyền, khảo sát, nghiên cứu ý kiến người tham gia giao thông, thiếu tính thực tế nên chưa tạo được hiệu quả và sự thay đổi rõ rệt”.  

Nhiều bạn trẻ khác là “fan” của “K0 còi” đề xuất ý tưởng so sánh văn hóa còi xe của Việt Nam với các nước khác trên thế giới hoặc nhấn mạnh, xoáy sâu hơn vào hậu quả của những tiếng còi xe bằng những câu chuyện thực tế trên đường phố khi tiếng còi không đúng nơi, đúng chỗ… sẽ có hiệu quả nhiều hơn. 

Trong suốt quá trình thực hiện dự án, “K0 còi” cũng gặp muôn vàn khó khăn. Theo Trang, trở ngại lớn nhất của dự án là ý thức tham gia giao thông của nhiều người còn kém, để thay đổi nhận thức, nhất là khi điều đó đã trở thành thói quen lâu năm, là một điều rất khó. Hơn nữa, để đo lường được kết quả dự án, cần có thời gian đủ dài và để thay đổi ý thức văn hóa giao thông của người Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần sự hỗ trợ từ nhiều từ nhiều phía.  

“Với “K0 còi”, thước đo cho thành công của dự án chính là độ lan tỏa những thông điệp được truyền tải tới cộng đồng, từng bước góp phần vào việc thay đổi văn hóa khi tham gia giao thông ở Việt Nam”- Trang nói. 

Nguyễn Tuấn

>> Tuyên truyền luật giao thông
>> Đẩy mạnh tuyên truyền an toàn giao thông
>> Tuyên truyền văn hóa giao thông  
>> Dùng còi xe hợp lý
>> Ngày không tiếng còi xe

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.