Tiếng vọng từ hừng đông của vũ trụ

21/03/2014 03:10 GMT+7

Giới chuyên gia vừa công bố một khám phá được nhiều người mệnh danh là “chén thánh” trong ngành thiên văn học: tiếng rì rầm xuyên không - thời gian vọng về từ gần 14 tỉ năm trước.

>> Hòa âm tiếng vọng Big Bang

 Đài thiên văn Nam Cực và BICEP trên nền trời dải Ngân hà  - Ảnh: Reuters
Đài thiên văn Nam Cực và BICEP trên nền trời dải Ngân hà  - Ảnh: Reuters

Trong một khám phá quan trọng hứa hẹn giúp hiểu rõ hơn nguồn gốc của vũ trụ, các nhà khoa học Mỹ tuyên bố đã phát hiện được những tiếng vang của sự kiện Big Bang cách đây khoảng 14 tỉ năm. Là hiện tượng đã được nhà vật lý học thiên tài Albert Einstein dự đoán trước đây, những tiếng rì rầm xuyên không gian và thời gian này đã được tạo ra trong quá trình giãn nở nhanh chóng của vũ trụ. Những tiếng vang bí ẩn nằm trong không gian sâu thẳm của vũ trụ đã được ghi nhận một cách gián tiếp nhờ vào kính viễn vọng đặc biệt tại Nam Cực, được thiết kế để đo đạc các bức xạ nền của vũ trụ còn sót lại kể từ sự kiện Big Bang. Các chuyên gia cho hay đây là “chứng cứ đầu tiên cho thấy vũ trụ giãn nở”, hoặc quá trình bộc phát tăng trưởng vào thời điểm vũ trụ được sinh ra, khi mà sóng hấp dẫn bắt đầu hình thành.

Cách đây hơn 1 thế kỷ, nhà vật lý học thiên tài Albert Einstein đã lần đầu tiên đề cập đến sự tồn tại của sóng hấp dẫn trong thuyết tương đối rộng của mình, nhưng cho đến nay vẫn chưa ai đủ sức đo đạc hiện tượng này một cách trực tiếp. Vào thập niên 1970, các nhà vũ trụ học đưa ra giả thuyết rằng sóng hấp dẫn phải được phát ra trong tích tắc sau sự kiện Big Bang, khi vũ trụ bùng nổ trong quá trình bộc phát, từ một vật thể kích thước hình quả đậu đến một thực thể mở rộng vượt khỏi tầm quan sát của những viễn vọng kính uy lực nhất của con người. Sóng hấp dẫn rất quan trọng đối với giả thuyết hình thành những cấu trúc quy mô lớn như thiên hà, sao và hành tinh, nhưng lâu nay chúng vẫn là những hiện tượng vô cùng bí ẩn để có thể phát hiện trực tiếp lẫn gián tiếp.

Mới đây, chuyên gia John Kovac của Đại học Harvard và đồng sự đã “thấy” được sóng hấp dẫn, bằng cách phát hiện những mô hình xoáy ốc của bức xạ phân cực bên trong ảnh phản chiếu yếu ớt của bức xạ nền siêu âm, gọi là “tiếng vọng” của Big Bang. “Việc tìm được tín hiệu này là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của ngành vũ trụ học hiện đại”, AFP dẫn lời tiến sĩ Kovac. Những hình ảnh trên đã lộ diện nhờ vào dữ liệu do Đài thiên văn BICEPS2 thu thập được ở cực nam địa cầu. “Nam Cực là điểm gần không gian nhất mà chúng ta có thể đạt được khi đứng trên mặt đất. Đây cũng là nơi khô ráo và trong lành nhất thế giới, điều kiện hoàn hảo để quan sát những tín hiệu sóng vi ba yếu ớt từ thời Big Bang”, theo chuyên gia Kovac giải thích.

Như đã đề cập, tuyên bố trên thật sự là một trong những báo cáo quan trọng nhất trong lĩnh vực vũ trụ học, do nó là xác nhận về mặt khoa học cho thấy vũ trụ đã hình thành như thế nào. Kết quả nghiên cứu là chìa khóa giúp giải đáp một số câu hỏi lớn nhất về vũ trụ học, từ quá trình diễn ra vào giây phút đầu tiên, đến mức độ “bạo lực” khi vũ trụ khai sinh. Chuyên gia Marc Kamionkowski của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho hay việc phát hiện sóng hấp dẫn đã tìm được mắt xích đứt đoạn lâu nay trong nỗ lực nghiên cứu lịch sử vũ trụ. Theo giả thuyết từ thập niên 1980, kể từ giây tiếp theo sự kiện Big Bang, vũ trụ sơ sinh đã giãn nở gấp 100 nghìn tỉ lần để đạt kích thước hiện tại. Vì không phát hiện được sóng hấp dẫn, giả thuyết trên luôn bị hoài nghi, nhưng báo cáo mới đã thay đổi hoàn toàn điều đó.

Công trình trên là công sức chung của các chuyên gia đến từ Trung tâm Harvard-Smithsonian về vật lý học thiên thể, Đại học Minnesota, Đại học Stanford, Viện Công nghệ California và Phòng Thí nghiệm động lực học của NASA.

Hạo Nhiên

>> Thiên hà cổ nhất vũ trụ ?
>> Phát hiện sao già nhất vũ trụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.