Hai nước sắp đặt cuộc đàm phán dự kiến vào tuần tới được xem là rất quan trọng đối với Mông Cổ vì mang đến cơ hội cho nước này tiếp cận nguồn vốn vay và thu hút những dự án đầu tư phát triển từ Trung Quốc.
"Cuộc họp bàn về những khoản vay và dự án đường sắt Tavan Tolgoi, nhà máy đồng và khí hóa than đá. Không may, phía Trung Quốc trả lời rằng chuyến thăm đó (Đạt Lai Lạt Ma đến Mông Cổ) là không thể chấp nhận được", ông Munkh-Orgil Tsend, Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ nói với các phóng viên tại thủ đô Ulaanbaatar, theo Bloomberg hôm 25.11.
Là quốc gia Phật giáo truyền thống có quan hệ lịch sử với Tây Tạng, Mông Cổ đã cho phép nhà sư Đạt Lai Lạt Ma đến thăm nước này kể từ năm 1979. Những chuyến thăm của lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng đến Mông Cổ đều bị Bắc Kinh phản đối và kèm sau đó là những đòn trả đũa.
Trung Quốc xem Đạt Lai Lạt Ma là nhà lãnh đạo ly khai và thường xuyên lên án những nước nào tạo cơ hội cho ông phát biểu.
Chuyến thăm mới nhất kết thúc hồi đầu tuần này, "hoàn toàn có mục đích tôn giáo", ông Munkh-Orgil nói và cho biết thêm chuyến đi được sắp đặt bởi tổ chức tôn giáo, còn chính phủ không tham gia.
Ông Munkh-Orgil nói rằng Trung Quốc cũng hủy bỏ một cuộc họp tham vấn giữa quốc hội hai nước, trong khi chuyến thăm của Thủ tướng Mông Cổ Erdenebat Jargaltulga sang Trung Quốc trong năm 2017 cũng không chắc sẽ xảy ra theo kế hoạch.
Kể từ khi tuyên bố nền kinh tế rơi vào khủng hoảng hồi tháng 8.2016, Mông Cổ tìm kiếm các khoản vay khẩn cấp từ các đối tác song phương và các tổ chức tài chính quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc và Quỹ tiền tệ quốc tế.
Thâm hụt ngân sách của nước này đã tăng gấp đôi trong năm nay, lên 1 tỉ USD, trong khi GDP chỉ tăng trưởng 1,6% trong 9 tháng đầu năm 2016.
Bình luận (0)