Tiếp diễn “cuộc đấu” tác quyền âm nhạc

06/05/2011 22:26 GMT+7

Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV) đã có phản hồi sau khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) vẫn quyết định thu tiền tác quyền tăng 100% áp dụng với CD, VCD và DVD.

VCPMC cương quyết không giảm giá tác quyền

Công văn số 68/2011/CV-QTGHAN do VCPMC ký ngày 4.4.2011 thông báo vẫn giữ nguyên tiền tác quyền âm nhạc áp dụng với sản xuất băng đĩa nhạc tăng 100% so với giá cũ. Bức xúc trước mức thu tác quyền mà theo bà Trương Thị Thu Dung (Phó chủ tịch thường trực RIAV) khiến hiệp hội buộc phải ngưng sản xuất, chiều qua đại diện các thành viên RIAV (Saigon Audio, Bến Thành Audio-Video, Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông, Phương Nam phim, Hồ Gươm Audio…) đã có cuộc gặp gỡ báo giới tại TP.HCM.

Thứ trưởng Bộ VH-TT và DL, Chủ tịch RIAV Trần Chiến Thắng nhận định: “VCPMC đã tự đưa ra bảng giá thu tác quyền mới mà không thông qua thảo luận với RIAV. Cách làm của VCPMC chỉ nhắm đến việc thu tiền tác quyền cho nhạc sĩ mà không quan tâm đến ca sĩ, nhà sản xuất băng đĩa nhạc, theo tôi là chưa đầy đủ. Tôi không phản đối chuyện tăng giá tác quyền âm nhạc, nhưng tăng như thế nào, lộ trình ra sao là phải có sự trao đổi, bàn bạc giữa các bên liên quan”. Theo đại diện của RIAV thì VCPMC tự tiện đưa ra mức giá khác nhau.

Cụ thể với cùng một ca khúc, tiền tác quyền khi làm CD, VCD là 1.000.000 đồng/bài trong khi DVD là 1.500.000 đồng/bài thật bất hợp lý. Đơn giản bởi sau khi đã trả tác quyền, nhà sản xuất có quyền sử dụng nguyên liệu đầu vào (ca khúc) như thế nào là quyền của bên đã đóng tác quyền, VCPMC không thể quy định giá khác biệt giữa DVD và CD hay VCD do đầu tư sản xuất các sản phẩm này khác nhau hoàn toàn về chi phí.

Đại diện RIAV còn cho biết thêm năm 2003, VCPMC đã thỏa thuận với RIAV tiền thu tác quyền nhưng bất ngờ tháng 2.2011, VCPMC tự ý tăng giá thu lên 100% mà không có bất cứ sự bàn bạc nào trước đó với RIAV.

 
Các thành viên RIAV gặp gỡ báo giới chiều ngày 6.5 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Không thực thi theo luật?

Điều 9, chương II Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) quy định nhuận bút cho tác phẩm sử dụng dưới hình thức xuất bản phẩm ghi rõ mức nhuận bút tác phẩm sử dụng cho băng đĩa âm thanh là 4 đến 5% và băng đĩa hình là 6 đến 8%. Điều 11 của Luật SHTT cũng xác định phương thức tính trả nhuận bút. Theo đó nhuận bút = tỷ lệ % x giá bán lẻ xuất bản phẩm x số lượng in. Tuy nhiên, phía RIAV không hiểu vì sao VCPMC không căn cứ vào quy định này để tính toán giá thu tác quyền theo luật định?  

Bà Thu Dung trình bày: “Nếu VCPMC có ý định tăng giá tác quyền cần thông báo đến RIAV trước năm 2011 để chúng tôi lên kế hoạch sản xuất, dự trù chi phí. Tháng 2.2011, khi đến VCPMC đóng tác quyền thì chúng tôi bất ngờ nhận biểu giá mới. RIAV buộc phải ngưng sản xuất vì nếu tiếp tục làm sẽ lỗ nặng. Việc tăng giá tác quyền, VCPMC cứ nói là bảo vệ quyền lợi nhạc sĩ nhưng với mức phí thu 25% trên tổng số tiền tác quyền thuộc về VCPMC thì rõ ràng VCPMC đang chuyển gánh nặng chi phí cho những nhà sản xuất băng đĩa, trong khi VCPMC vẫn ung dung hưởng lợi gấp đôi trên 25% tiền tác quyền thu hộ cho tác giả nếu tăng giá tác quyền lên 100% như hiện nay”.

Để “cuộc đấu” thu hộ tác quyền giữa RIAV và VCPMC mở ra hướng mới, có cách giải quyết ổn thỏa hơn, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng nói rõ ông sẽ gặp và bàn bạc với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN, đơn vị chủ quản của VCPMC về vấn đề này. Tuy nhiên các thành viên của RIAV cũng kiến nghị với Thứ trưởng về việc tách thủ tục buộc phải đóng phí tác quyền âm nhạc khi sản xuất băng đĩa, tổ chức chương trình ca nhạc khỏi Sở VH-TT-DL các tỉnh thành, để cho một cơ quan hay đơn vị khác quản lý nhằm tránh vướng mắc về thủ tục khi cấp phép.

“Luật SHTT có quy định về nhuận bút tác phẩm sử dụng nhưng chỉ tạo khung, cơ sở để các bên căn cứ theo đó thi hành. Tuy nhiên còn phải xét đến yêu cầu thị trường, thuận mua vừa bán giữa tác giả và người sử dụng tác phẩm. Trường hợp không đạt được thỏa thuận với Hội Nhạc sĩ VN, tôi sẽ kiến nghị lên cấp cao hơn”.

 

  Ông Trần Chiến Thắng
(Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL kiêm Chủ tịch RIAV)

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.