Tiếp nhận bộ cổ vật nhà bà Dương Quỳnh Hoa

16/10/2012 09:06 GMT+7

Toàn bộ 3.360 hiện vật, di vật trong bộ sưu tập Dương Hà vừa được hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.

Lễ ký kết bàn giao chính thức đã tiến hành sáng 15-10 giữa bà Trần Thị Thúy Phượng - giám đốc bảo tàng - và bà Huỳnh Thị Vinh Mai - đại diện ông Huỳnh Văn Nghị, chủ bộ sưu tập, dưới sự chứng kiến của đại diện Văn phòng thừa phát lại quận 8.

Ðây là bộ sưu tập của hai ông bà Dương Minh Thới và Hà Thị Ngọc, là cha mẹ của bà Dương Quỳnh Hoa - từng giữ chức bộ trưởng y tế của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bộ sưu tập hình thành từ những năm 1930 - 1940, và tiếp tục được bổ sung, gìn giữ với "công sức chủ yếu là của bà Hà Thị Ngọc" - như lời ông Dương Minh Thới kể lại với con cháu.

Năm 1975, hai vợ chồng bà Dương Quỳnh Hoa và ông Huỳnh Văn Nghị về ở tại ngôi nhà của ông bà Dương, Hà. Ðến năm 1976, bà Dương Quỳnh Hoa sở hữu bộ sưu tập trên, và tiếp tục bổ sung nhiều cổ vật như các dòng hiện vật Chăm, đồ cổ thời Nguyễn...

Sau khi bà Dương Quỳnh Hoa mất (năm 2006), ông Nghị có ý thực hiện di nguyện của ông bà Dương Minh Thới và Hà Thị Ngọc là hiến tặng bộ sưu tập quý giá này cho Nhà nước. Ðến tháng 2-2011, UBND TP.HCM ra quyết định tiếp nhận các cổ vật do ông Huỳnh Văn Nghị hiến tặng. Sau đó, Sở VH-TT&DL TP.HCM lập hội đồng khoa học thẩm định toàn bộ hiện vật.

Theo đó, bộ sưu tập gồm 3.360 hiện vật thuộc các chất liệu: kim loại (sắt, đồng, bạc, ăngtimoan), đá (sa thạch, đá bán quý), thủy tinh, giấy, gỗ, vải, ngà, xương, sừng, gốm sứ, đất nung...; nhiều dạng: đồ trang sức, vật dụng gia đình, tác phẩm mỹ thuật...

Trong đó có 2.976 hiện vật là cổ vật và di vật có niên đại từ 2.500 năm cách ngày nay đến đầu thế kỷ 20, có nguồn gốc từ Việt Nam, các nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản; các nước phương Tây: Ðức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ. Số còn lại là đồ thủ công mỹ nghệ mới sản xuất.

Tại lễ ký kết, bà Vinh Mai cho biết ý nguyện của ông bà Dương, Hà là mong muốn bộ sưu tập được giữ gìn tại Việt Nam để người dân trong nước được chiêm ngưỡng, tìm hiểu và nghiên cứu. Phía Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cũng cam kết sẽ giữ gìn, bảo quản và trưng bày số hiện vật, di vật này nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân, tổ chức phát huy giá trị hiện vật, di vật phục vụ lợi ích của toàn xã hội.

Như vậy sau bộ sưu tập của cụ Vương Hồng Sển, đây là lần thứ hai Bảo tàng Lịch sử TP.HCM tiếp nhận bộ sưu tập cổ vật của tư nhân.

Bộ sưu tập tương đương một bảo tàng

Bà Thúy Phượng cho rằng bộ sưu tập cổ vật này có thể hình dung là vô giá, vì nếu xét ở giá trị lịch sử, bộ sưu tập tương đương một bảo tàng với chủng loại hiện vật xuyên suốt các thời kỳ lịch sử từ thời nguyên thủy đến hiện đại. Còn về giá trị thì chưa thể tính theo cách quy ra thời giá hiện nay, nhưng về quy mô ước tính phải gấp ba lần giá trị của bộ sưu tập cụ Vương Hồng Sển năm xưa.

Góc cổ vật gồm các bình thuộc nhiều dòng gốm sứ các nước.

 Tiếp nhận bộ cổ vật nhà bà Dương Quỳnh Hoa 2
Ảnh: Lam Điền

Theo Lam Điền / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.