Tây nguyên từ lâu vẫn là “kinh đô” cà phê của Việt Nam. Cả nước hiện có trên 500.000 ha cà phê thì Tây nguyên đã chiếm trên 90% diện tích. Theo báo cáo của Bộ Công thương, sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2011, mà Tây nguyên là chủ yếu, đạt khoảng 1,2 triệu tấn, trị giá trên dưới 2,8 tỉ USD. Những con số thống kê trên để đủ thấy “hạt vàng” cà phê đã đưa về một lượng lớn ngoại tệ, giúp hàng trăm ngàn nông dân có của ăn của để.
Nhưng giống nhiều nông sản khác, cây cà phê phát triển ồ ạt ở Tây nguyên từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước cũng tồn tại nhiều bất cập như công tác lai tạo, chọn giống không đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Hơn nữa, việc trồng không đúng kỹ thuật cũng phổ biến. Những nguyên nhân trên khiến sự tồn tại, phát triển của cây cà phê thiếu bền vững, năng suất thấp. Những tồn tại cố hữu trên đã “níu chân” người trồng cũng như hệ thống xuất khẩu cà phê về giá cả.
Dự báo, sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ xuống dốc trong vòng 10 năm tới do Tây nguyên có đến 100.000 ha cà phê già cỗi, cần tái canh. Bởi, diện tích cà phê trên đã trồng và cho thu hoạch nhiều năm, chất lượng vườn cây trên đã đi xuống. Lo hơn là đa số diện tích này đều do sở hữu của nông dân nên các điều kiện về tái canh là hạn chế nếu không có sự hỗ trợ đắc lực về vốn. Theo tính toán sơ bộ, cứ mỗi héc ta cà phê tái canh, trong vòng ba năm đầu kiến thiết, cần đến 100 triệu đồng. Đó là chưa kể vùng đất có sâu bệnh, phải cải tạo, luân canh 2, 3 năm.
Mới đây, Trung tâm khuyến nông quốc gia tổ chức diễn đàn Nông dân @ tại tỉnh Gia Lai để bàn về vấn đề này. Các đại biểu đều nhất trí rằng việc tái canh cà phê là cấp thiết để loại cây này phát triển bền vững. Nhưng ngay cả những công ty thành viên của Tổng công ty cà phê Việt Nam, nhu cầu về vốn để tái canh cũng là bài toán nan giải. Qua đó, đường đi của cây cà phê tái canh dù bức thiết nhưng sẽ khó về tiến độ. Ngoài ra, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cũng ban hành quyết định về quy trình tái canh cà phê vối. Nhưng, hiệu năng của những quyết tâm từ phía các ngành chức năng xem ra vẫn còn khó khả thi đối với nông dân trồng cà phê.
Tây nguyên, với vùng đất bazan màu mỡ, là “đất vàng” cho hồ tiêu, cà phê và nhiều nông sản giá trị khác. Nhưng quy trình chọn giống, trồng cho đến chăm sóc từ nhiều năm trước vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp. Do vậy, hồ tiêu hay mắc bệnh, cà phê thì năng suất chưa cao... Rồi lại thêm nạn “nhân tai” hái cà phê non mỗi năm thiệt hại hàng chục triệu USD.
Nhà nước cũng như ngành chức năng cần hơn những giải pháp, quyết sách cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ nông dân về giống, kỹ thuật, vốn liếng cho đến các biện pháp bảo vệ để họ thực sự giàu có từ vùng chuyên canh này.
Trần Hiếu
Bình luận (0)