Tiếp sức cho người nghèo Huế

17/06/2014 10:00 GMT+7

Một chương trình tín dụng lãi suất thấp đã đến với các hộ nghèo tại Cồn Hến (P.Vỹ Dạ, TP.Huế, Thừa Thiên- Huế) do Quỹ Những trái tim Huế triển khai đã giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Tiếp sức cho người nghèo Huế
Chị Trần Thị Mẫn (tổ 16, P. Vỹ Dạ) với nghề xắt môn cung cấp cho các quan cơm hến với niềm vui có nguồn vốn để mua nguyên vật liệu ổn định công việc - Ảnh: B.N.L

Vỹ Dạ là một phường phía nam của TP.Huế với dân số 16.800 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số. Tuy nhiên, ở khu vực Cồn Hến, do nằm trên một ốc đảo giữa sông Hương nên đời sống vẫn còn biệt lập, ít phát triển. Mặc dù được xem là “lò” cung cấp hến cho hầu hết các quán cơm hến trên địa bàn thành phố, nhưng do thiếu vốn nên khó phát triển sản xuất.

Bao đời nay, người dân ở khu vực Cồn Hến vẫn ám ảnh với tình trạng “ăn đong làm đếm”, làm bao nhiêu đều nộp cho các chủ hụi vay nóng và các đầu mối cung cấp nhu yếu phẩm. Chị Nguyễn Thị Phước, cộng tác viên của dự án tín dụng của Quỹ Những trái tim Huế, cho biết: “Ăn đong, có nghĩa là cứ hết gạo đến các chủ hàng quán để đong, rồi làm trả dần. Do không có tiền nên việc ăn trước trả sau này thường phải chịu giá cao hơn rất nhiều so với bình thường. Ngoài ra, khi ốm đau, bệnh tật hay cần tiền để nộp học cho con cái… người dân phải đi vay nóng ở các nhà giàu với lãi suất “cắt cổ”. Ví dụ vay 1 triệu đồng, ngày phải trả 120 - 150 ngàn đồng, trong đó tiền gốc là 100 ngàn, còn lại là tiền lãi. Dù lãi suất cắt cổ như trên, nhưng các hộ nghèo còn bị hạch sách đủ điều, không dễ gì vay được. Nhưng vay được tiền mà không trả nợ đúng hạn, cũng bị người ta đến xiết nợ, trong nhà có cái gì có giá trị đều bị lấy hết”.

Chị Bùi Thị Lành, bán cơm hến, ở tổ 18, chia sẻ: “Chồng em làm thợ xây dựng, nhưng công việc cũng không thường xuyên. Trước đây, khi chưa vay được tín dụng hàng ngày em phải gánh cơn hến đi bán dạo. Công việc cực nhọc mà thu nhập lại thất thường. Từ khi vay của Quỹ Những trái tim Huế 7 triệu đồng, em đã đầu tư để mở quán, mua sắm dụng cụ nấu nướng, chế biến nên công việc và thu nhập cũng có ổn định hơn”. Quán cơm hến của chị Lành từ ngày được vay vốn, được hướng dẫn, tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm chị đã chú ý hơn về vệ sinh nên cũng tươm tất hơn. Vì vậy, không chỉ người dân địa phương mà thỉnh thoảng cũng có vài đoàn khách du lịch ghé đến ăn. “Vừa có thêm thu nhập, công việc ổn định , có khách tới lui nên cũng vui”, chị Lành vui vẻ.

Chị Trần Thị Mẫn (tổ 16, P. Vỹ Dạ) sau khi được vay 6 triệu đồng, cũng đã có đồng vốn để mua nguyên liệu sản xuất, ổn định với nghề nấu hến, cung cấp rau cho các quán hến trên địa bàn thành phố. Không chỉ đối với các hộ bán cơm hến, các hộ chế biến hến, làm đậu phụ, làm bánh lọc, chè bắp... đều được Quỹ Những trái tim Huế khảo sát và cho vay vốn.  Sau khi các hộ trả xong, ban quan lý quỹ sẽ xem xét để tiếp tục cho vay lại hoặc quay vòng đồng vốn cho các hộ khác vay để phát triển sản xuất.

Anh Trương Trọng Khánh, Giám đốc Quỹ Những trái tim Huế, cho biết: Kinh phí của quỹ do các tổ chức phi chính phủ, các nhà hảo tâm tài trợ, trong đó tổ chức DOVE Fund (tài trợ 37.500USD) và tổ chức Cựu Chiến binh vì hòa bình (VFP của Mỹ, 1.000USD). Quỹ Những trái tim Huế là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm tiếp nhận nguồn vốn, phối hợp với Hội phụ nữ phường quản lý và tổ chức xét các đối tượng được vay. Các thành viên trong nhóm có trách nhiệm với các thành viên khác trong việc sử dụng nguồn vốn, trả lãi và trả vốn. Nếu một thành viên nào đó sử dụng tiền vay  không đúng mục đích hoặc không trả thì các thành viên khác trong nhóm phải chịu trách nhiệm thay. Tính tới nay, trên địa bàn TP.Huế đã có hơn 400 hộ được vay, trong đó P.Vỹ Dạ có 200 hộ vay, với số tiền từ 5 -7 triệu đồng, với lãi suất thấp.

“Số tiền vay tuy không lớn, nhưng đi kèm với nó là việc hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn tập huấn để chuyển đổi mô hình sản xuất, nên cũng đã tiếp sức cho các hộ nghèo có động lực vươn lên. Đây chính là ý nghĩa quan trọng nhất của chương trình”, anh Khánh chia sẻ.

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.