Tiếp sức ngư dân giữ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa

17/09/2013 10:13 GMT+7

Từ 2010 đến nay ngân sách đã đầu tư 760 tỉ đồng để tăng số lượng tàu cá cả nước quyết bám giữ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa lên gấp 3,4 lần.

Tiếp sức ngư dân giữ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa

Từ tháng 6.2013 ngư dân có tàu công suất lớn và vươn khơi xa được hỗ trợ 20 - 22% nhiên liệu - Ảnh: Nguyễn Tú

Ngư dân vững tin

 

 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 38 ngày 26.6.2013 sửa đổi quyết định 48 năm 2010 tăng mức hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân lên 20 - 22%, chia dải công suất 400CV trở lên thành 2 mức khác nhau nhằm khuyến khích tàu công suất lớn hoạt động ở biển xa và quy định về hỗ trợ bảo hiểm hằng năm với thân tàu, tai nạn thuyền viên.

Hội nghị sơ kết thực hiện quyết định 48 năm 2010, 39 năm 2011 và 38 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển tại Đà Nẵng vừa qua cho hay, sau 3 năm nguồn ngân sách từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ ngư dân 760 tỉ đồng, trong đó có 673 tỉ đồng tiền nhiên liệu và gần 10 tỉ đồng tiền bảo hiểm, chưa kể 2.203 máy thông tin liên lạc trị giá hơn 69,7 tỉ đồng... Ngoài ra, cả nước xây dựng được 15 trạm bờ (4,5 tỉ đồng) tạo thuận lợi cho ngư dân cập vào xác nhận chuyến biển, hỗ trợ 15.298 thuyền viên bảo hiểm tai nạn.

Trong các địa phương, hỗ trợ nhiều cho ngư dân là Bình Định (363 tỉ đồng), Quảng Ngãi (119 tỉ đồng), Khánh Hòa (63 tỉ đồng), Bình Thuận (42 tỉ đồng)... Từ sau chính sách khuyến khích ngư dân của Chính phủ, theo tổng hợp từ các địa phương, đến nay đã có 6.037 tàu cá của 20/28 tỉnh thành ven biển được UBND địa phương phê duyệt đủ điều kiện tham gia hoạt động các vùng biển xa bờ, con số này tăng cao so với kết hoạch dự kiến của Bộ NN-PTNT khi tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định.

Theo số liệu của Bộ Tư lệnh Hải quân, số tàu quan sát được trên vùng biển Trường Sa ngày càng tăng mạnh cho thấy hiệu quả của việc hỗ trợ ngư dân bám biển, năm 2010 có 5.263 lượt thì năm 2011 tăng lên 8.867 lượt, 2012 là 17.782 lượt và 7 tháng đầu năm 2013 đã có 12.918 lượt tàu tham gia khai thác giữ ngư trường vùng khơi.

Công khai danh sách

 

Trong 7 tháng đầu năm, Công ty TNHH MTV dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông tổ chức 14 chuyến tàu dịch vụ ra Trường Sa với thời gian bám biển tại Trường Sa và nhà giàn DK1 là 1.160 ngày, lao động trên đảo Đá Tây 212 ngày, cung ứng 118.500 lít nhiên liệu, 772 m3 nước ngọt, sửa chữa miễn phí cho 13 tàu, cung ứng 10,5 tấn lương thực, cứu nạn 3 tàu ngư dân.

Tuy nhiên riêng ngư dân hành nghề câu mực vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi bởi nghề này thường có thời gian hoạt động trên biển trên 60 ngày. Nếu tính số chuyến biển trong năm thì câu mực khó đủ 4 chuyến để đạt điền kiện được hỗ trợ. Trong khi đó, tàu câu mực luôn là đội tàu lớn nhất, công suất “khủng” nhất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhất (30 - 40 người/tàu) và chính là lực lượng bám biển dài ngày nhất nên cần có quy định riêng để khuyến khích phát triển nghề.

Tại hội nghị, Sở NN-PTNT Quảng Bình, Quảng Ngãi phản ánh khi ngư dân bán tàu thì địa phương gặp lúng túng trong việc xử lý máy thông tin đã trang bị cho tàu cá để vươn khơi cho chưa có quy định cụ thể, dẫn đến việc không thể thu hồi cũng như cấp mới.

Nhiều địa phương còn rối do hướng dẫn chính sách hỗ trợ tàu cá bị nước ngoài bắt giữ tịch thu hoặc bị đâm hư hỏng, chìm tàu chưa rõ ràng, theo quy định khi xác định được tung tích tàu nước ngoài mới được hỗ trợ trong khi các vụ đâm va, tai nạn trong đêm tối rất khó khăn định vị tàu phá hoại. Đối với việc ngăn chặn ngư dân khai man trục lợi, Sở NN-PTNT Bình Định, Phú Yên hiến kế công khai danh sách ngư dân được hỗ trợ ngư để ngư dân tự kiểm tra, giám sát lẫn nhau.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.