Tiếp sức người lao động: Thoát nghèo nhờ được hỗ trợ sinh kế

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
02/05/2023 07:18 GMT+7

Từ năm 1992, TP.HCM là địa phương đầu tiên cả nước khởi xướng chương trình 'xóa đói giảm nghèo" và nay đổi tên thành 'giảm nghèo bền vững'.

Trải qua hơn 30 năm, với những nỗ lực của chính quyền và sự tương thân tương ái của mỗi người dân, đời sống người nghèo được cải thiện rõ rệt…

"TÔI TÊN LÀ THỐNG NHẤT"

"Đó là nhà của con trai cô Dân đó!", tôi nhìn theo hướng chỉ tay của Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN P.9 (Q.8, TP.HCM) Lê Phan Anh, và thấy từ trong căn nhà vách tôn nhỏ xíu một người đàn ông lam lũ ra chào: "Tôi tên là Thống Nhất, sinh năm 1977! Tên này mẹ tôi đặt sau khi đất nước mình thống nhất. Anh tôi tên là Toàn Thắng, em tôi là Quyết Chiến".

Tiếp sức người lao động: Thoát nghèo nhờ được hỗ trợ sinh kế - Ảnh 1.

Ông Lê Phan Anh nói nhà anh Thống Nhất nằm trong số hộ dân bị cháy rụi trong vụ cháy lớn bên bờ kênh Đôi hồi năm 2017.

Lúc đó, địa phương vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ mỗi hộ dựng lại nhà, dần ổn định cuộc sống, nhưng người dân vẫn rất chật vật làm lại từ đầu vì ở đây chủ yếu là lao động nghèo.

"Chúng tôi cũng biết anh Thống Nhất lâu rồi, nhưng ấn tượng nhất vì anh ấy đăng ký tình nguyện trong mùa dịch Covid-19. Anh không ngại khó, nguy hiểm của dịch bệnh, xông pha khuân vác, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân", ông Lê Phan Anh nói.

Để mưu sinh, anh Thống Nhất vất vả đủ thứ nghề, vợ anh làm công nhân ở khu chế xuất Tân Thuận (Q.7). Trước đây nhà chỉ có mỗi chiếc xe cà tàng, hằng ngày, anh Nhất chở vợ đi làm, rồi sau đó về khu phố đưa rước hai con đi học, phụ người dân dọn chợ, chạy xe ôm, thu gom ve chai…, chiều lại đón vợ về.

Biết hoàn cảnh của anh Thống Nhất, địa phương hỗ trợ học bổng cho các con anh, rồi khi có đợt trao phương tiện sinh kế (triển khai theo mô hình "Đồng hành và chia sẻ" của Ủy ban MTTQ VN Q.8), địa phương đã đề xuất, hỗ trợ gia đình anh thêm chiếc xe máy mới. "Tôi còn giữ bảng tên trao xe làm kỷ niệm, có chiếc xe thì mình cũng đỡ vất vả rồi tiết kiệm thời gian hơn. Có chính quyền đồng hành hỗ trợ, cuộc sống mưu sinh của tôi bớt nhọc nhằn, bớt cô đơn", anh Nhất nói.

Anh Thống Nhất cũng được địa phương giới thiệu làm thêm bảo vệ dân phố, phó ban công tác mặt trận khu phố với khoản trợ cấp 2,6 triệu đồng/tháng. Với sự trợ giúp của chính quyền cùng nỗ lực lớn của cá nhân anh, năm nay, gia đình anh thoát nghèo.

Mới hồi tết năm trước, anh Thống Nhất còn vận động bạn bè mấy chục phần quà để đi tặng những gia đình "còn thiếu thốn hơn mình". "Tôi làm đa nghề, nhưng tôi tin mình phải biết đủ, miễn sao mình an nhiên, tự tại, con cái học hành đến nơi đến chốn. Tôi nhận về làm ở khu phố vì muốn đồng hành cùng địa phương lan tỏa yêu thương", anh chia sẻ.

Nhận lại, cho đi

Tinh thần "nhận lại, cho đi" và sống cuộc sống bình dị, tử tế đó không phải chỉ riêng anh Thống Nhất. Cách nhà anh Nhất chừng 5 km về hướng tây là khu dân cư Bến Bình Đông, P.15 (Q.8). Ở đó, người dân quanh xóm đã quen tên chị Võ Thị Tuyết Băng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KP.4, P.15 - là người chuyên cùng người nghèo trong khu phố "thực hành tiết kiệm" để thoát nghèo.

P.15 là phường nghèo nhất của Q.8. Chính quyền P.15, đặc biệt là MTTQ địa phương đã rất nỗ lực kéo giảm hộ nghèo. Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN P.15 Trần Huy Dũng cho biết P.15 hiện có 274 hộ nghèo, và năm nay phấn đấu kéo giảm xuống còn 50%. Mô hình được địa phương nhân rộng là "quản gia", tức cán bộ thường xuyên theo dõi, động viên từng hộ. Qua đó, xác định nhu cầu của người nghèo theo từng thời điểm như về việc làm, phương tiện sinh kế… để hỗ trợ kịp thời.

Như trường hợp của chị Tuyết Băng, gia đình diện hộ nghèo. Trước đây chồng chị làm đủ thứ nghề, còn chị ở nhà nội trợ và nhận hàng về may gia công. Nhưng hai vợ chồng có chắt chiu cách mấy cũng không dư dả, vì còn mẹ già và hai con đang tuổi ăn tuổi lớn.

Năm trước, cũng trong đợt Ủy ban MTTQ VN TP.HCM phát động tháng cao điểm vì người nghèo, hỗ trợ sinh kế, chị Tuyết Băng được tặng chiếc máy may công nghiệp mới. Chị mừng lắm vì cái máy may cũ hư lên hư xuống, hàng cứ trễ hẹn với khách mà không có tiền thay. Từ đó, chị nhận thêm hàng, năng suất cao hơn, thu nhập hằng ngày cũng từ đó được cải thiện.

Tiếp sức người lao động: Thoát nghèo nhờ được hỗ trợ sinh kế - Ảnh 3.

Chị Võ Thị Tuyết Băng được hỗ trợ máy may để lao động tăng thêm thu nhập

"Mỗi ngày tôi may trung bình được 150.000 đồng, cộng thêm nguồn thu nhập của chồng tôi hiện nay là bảo vệ dân phố, gia đình cũng dần có tích lũy", chị Tuyết Băng kể và chỉ tay quanh căn nhà khang trang của mình: "3 năm về trước, nhà tôi như cái chòi, mưa dột nát hết. Nhưng rồi địa phương giới thiệu, hỗ trợ vay vốn từ bên Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi cũng nhờ đó và bù thêm rồi sửa từ từ, giờ mới được đàng hoàng như vậy".

Giờ đây, gia đình chị Tuyết Băng đã thoát nghèo, con cái của chị cũng được địa phương hỗ trợ học bổng học tập. Khi áp lực cuộc sống vơi đi, chị dành nhiều thời giờ để tham gia các phong trào, vận động do khu phố và phường phát động. Chị giới thiệu cho nhiều người khó như mình việc làm, vay vốn. Tết năm trước, chị còn vận động nhà hảo tâm hỗ trợ mấy chục phần quà cho hộ nghèo đón tết.

"Có những ngày tôi chạy ngoài đường nhiều hơn ở nhà vì phải đi nắm tình hình, hỗ trợ hộ dân. Nhưng mình giúp người khác, mình vui lắm. Tổ của tôi cũng có hội nhóm sinh hoạt với nhau để chia sẻ lo toan, chỉ mong thế hệ con cái sau này được đi học đến nơi đến chốn, không vất vả nữa", chị Tuyết Băng nói.

Mong muốn cho tương lai

Từ nội thành, chạy xe máy chừng một tiếng đồng hồ, tôi mới tới nhà ông Đỗ Hữu Thanh (64 tuổi, ấp 2, xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh). Nắng tháng 4 như đổ lửa, trời nóng hầm hập, vợ ông Thanh vẫn cặm cụi phơi nhang ngoài sân.

Tiếp sức người lao động: Thoát nghèo nhờ được hỗ trợ sinh kế - Ảnh 2.

Ông Thanh cải thiện cuộc sống nhờ được hỗ trợ máy ép nhang

Là bộ đội tình nguyện ở chiến trường Campuchia trở về, ông Thanh đi làm công nhân, sau đó gặp vợ rồi về ấp 2, xã Lê Minh Xuân để cùng gia đình vợ làm nhang. "Khi thị trường có máy ép nhang, tôi cũng muốn mua nhưng tới 20 triệu đồng/máy, tiền ăn từng bữa chưa đủ thì sao mà mua. Sau này nhà nước có đi điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỏi nhu cầu của gia đình tôi rồi hỗ trợ cái máy ép nhang", ông Thanh kể.

Ông Thanh đưa bàn tay gân guốc chỉ ngôi nhà, rồi kể: "Thêm chuyện hồi xưa, nhà tôi chỉ có nóc thôi, không có vách. Bên hội cựu chiến binh xã vận động được 50 triệu đồng để xây nhà, giờ có thêm máy ép nhang, công suất có cải thiện. Dù thu nhập không nhiều nhặn gì nhưng đời sống cũng đỡ vất vả hơn xưa rất nhiều", ông Thanh nói.

Hỏi mong muốn sắp tới của ông là gì, ông Thanh chia sẻ: "Chắc tôi chỉ mong mình có được chiếc xe máy để đi tới đi lui và để chở vợ đi khám bệnh".

Ủy ban MTTQ VN TP.HCM vừa tuyên dương 53 sáng kiến, mô hình tiêu biểu ở các địa phương như Ủy ban MTTQ VN Q.4 với mô hình "Phòng khám, hiệu thuốc đồng hành cùng người nghèo"; Ủy ban MTTQ VN H.Bình Chánh với mô hình "Sinh kế trao tay - tương lai bền vững"…

Nguồn kinh phí thực hiện chủ yếu từ nguồn quỹ "Vì người nghèo" TP.HCM do các cá nhân, tổ chức khắp nơi đóng góp. Nhờ có nguồn vận động này, MTTQ các cấp triển khai các hoạt động xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà tình thương; trao phương tiện sinh kế cho hộ nghèo; hỗ trợ con em hộ nghèo vượt khó học giỏi, hỗ trợ người bị bệnh hiểm nghèo và chăm lo tết cho người nghèo. Qua đó, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững của TP.HCM.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.