Ngày 19.3, ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Quảng cáo lậu tung hoành, chúng tôi tiếp tục phát hiện nhiều tờ rơi “chui” được lồng vào báo không qua kiểm duyệt nội dung.
Ngang nhiên hơn, Trung tâm DVQC Long Phát còn công khai quảng cáo dịch vụ lồng tờ rơi “chui” vào ngay trong một số báo tại sạp báo 870 - 872 Trần Hưng Đạo, P.7, Q.5. Đặc biệt, chỉ mới cách nhau có vài ngày nhưng đơn vị này đã nâng số điểm phát hành thêm vài trăm điểm (!).
Cụ thể, ngày 13.3, khi phóng viên liên hệ, Long Phát thông báo có 501 điểm phát hành tại các sạp báo thì ngày 19.3, đơn vị này đã nâng con số điểm phát hành lên 1.000 điểm và từ phát 10.000 bản/ngày nâng lên 100.000 bản/ngày. Trong khi đó, Long Phát thú nhận chỉ có 10 nhân viên. Không hiểu với 10 nhân viên, 2 giờ đồng hồ (từ khi báo ra sạp đến khi báo đến tay bạn đọc) làm sao chạy kịp 1.000 điểm chứ chưa nói đến việc kẹp hết 100.000 bản.
Cũng trong ngày, Báo Thanh Niên còn nhận được phản hồi của bạn đọc khi phát hiện tờ brochure quảng cáo thực phẩm dành cho trẻ em của công ty tự xưng là "hàng đầu" cũng làm chui. Nhiều bạn đọc đặt vấn đề giới thiệu là hãng thực phẩm trẻ em hàng đầu lại quảng cáo “chui” như thế thì liệu chất lượng có được đảm bảo. Bên cạnh đó, bạn đọc cũng nghi ngờ các dự án bất động sản tự giới thiệu là "hoành tráng", "vị trí vàng", "sản phẩm cao cấp"... vậy mà, cũng phải quảng cáo ký sinh thì liệu chất lượng có như lời giới thiệu?
Không ai kiểm soát nội dung
|
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi các công ty quảng cáo lậu tiếp nhận đơn hàng, họ sẽ chuyển cho các nhà in để in sản phẩm và thuê người đi lồng tượng trưng tại một số sạp báo. Bà chủ sạp báo số 9 Lê Thị Riêng, P.Bến Thành, Q.1 khẳng định: “Những nhân viên lồng tờ quảng cáo vào các báo đã xuất hiện từ hơn 1 năm nay. Đã có một khoảng thời gian mấy tháng sau tết ngưng lại nhưng gần đây bắt đầu xuất hiện lại”. Cũng theo bà chủ sạp báo này: “Những tờ rơi được lồng vào báo đều phải do các nhân viên của chỗ quảng cáo tự tay lồng vào chứ không để sạp báo lồng nên cũng chẳng để ý họ lồng gì vào trong đó. Mỗi ngày, có từ 200 - 250 tờ báo của tiệm được nhân viên mang quảng cáo tới lồng và "bồi dưỡng" cho sạp 10.000 đồng/lần”.
Tiếp xúc với chúng tôi, bà chủ sạp báo đối diện Trường tiểu học Lương Định Của (Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3) cho biết, rất nhiều người đến gặp xin kẹp tờ rơi vô các báo. “Thường thì họ vẫn chọn nhiều nhất là Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Bóng đá,... để kẹp vào”, bà này nói. Nghe chúng tôi xin được lồng tờ rơi, không cần biết nội dung bên trong là gì, bà chủ nói ngay: “Muốn kẹp vô tờ nào cũng được, phí mỗi tờ là 300 đồng. Khách tự kẹp cũng giá đó mà bên đây kẹp cũng giá đó”.
Không giấu giếm, chủ một sạp báo gần Bệnh viện Từ Dũ (trên đường Nguyễn Thị Minh Khai thuộc Q.3) cho biết: “Tụi tui vẫn thường xuyên nhận được những “hợp đồng” lồng tờ rơi “chui” từ phía nhân viên các công ty quảng cáo”. Theo người này, mỗi lần nhân viên đưa tới với số lượng 2.000 tờ lồng vào các báo trong vòng 3 ngày. Vị này thành thực: “Có thời gian đâu mà xem trong đó viết gì”.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại một số sạp báo trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Chính Thắng (Q.3), Nguyễn Đình Chiểu, Mạc Đĩnh Chi (Q.1)... đưa ra 2 mức giá với kích cỡ tờ quảng cáo khổ A3: 300 đồng/tờ (do đơn vị tự lồng) và 450 đồng/tờ (do sạp báo lồng).
Và theo đó, những tờ quảng cáo “lậu”, tờ rơi “chui” này không ai kiểm soát nội dung đã công khai theo các tờ báo chính thống tỏa đi khắp các hang cùng, ngõ hẻm. Điều đáng nói là chưa có một doanh nghiệp quảng cáo lậu nào bị xử lý.
Hàng loạt vi phạm
Quảng cáo là dạng thông tin công khai ra công chúng về các tính chất của hàng hóa, dịch vụ nhằm mời gọi người tiêu dùng. Do vậy, nếu gian dối sẽ rất nguy hại, trở thành sự lường gạt công khai, gây nhiều hậu quả lớn đến người tiêu dùng và khách hàng. Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre) cho rằng: Những hình thức quảng cáo “lậu”, kẹp tờ rơi “chui” vào các báo không đơn thuần là “ăn theo” mà những hành vi này đã vi phạm khoản 7, điều 3 Nghị định 24 ngày 13.3.2003, Pháp lệnh quảng cáo 2001. Theo đó, những doanh nghiệp này đã vi phạm khi dùng danh nghĩa, hình ảnh của tổ chức cá nhân khác mà không được tổ chức cá nhân đó cho phép. Đồng thời, các quảng cáo này cũng vi phạm vì không được cấp phép quảng cáo.
Dưới một góc độ khác, luật sư Lê Hồng Nguyên (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định, quảng cáo “lậu” xâm phạm trực tiếp đến quyền quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này và cũng xâm phạm đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Ở các nước phát triển trên thế giới, hình thức quảng cáo “lậu”, quảng cáo chui bị xử lý rất nặng. Vì vậy, không ai dám thực hiện.
Luật sư Lê Thành Kính (Đoàn luật sư TP.HCM) còn phân tích thêm, những quảng cáo “lậu” nói trên dưới một góc độ nào đó đã làm cho bạn đọc ngộ nhận, nghĩ rằng sản phẩm đó được quảng bá trên những tờ báo lớn, gây lầm tưởng nội dung quảng cáo đã được kiểm duyệt. Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn có dấu hiệu phạm tội “trốn thuế” khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ (nếu có chức năng) có thu phí nhưng không xuất hóa đơn, nộp thuế theo quy định.
Rõ ràng, với hàng loạt những vi phạm như trên cần thiết các cơ quan chức năng phải rốt ráo kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh để lập lại trật tự trong lĩnh vực này.
|
Thanh Niên
Bình luận (0)