Tiếp tục đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh

21/10/2015 18:50 GMT+7

(TNO) Ngày mai 22.10, Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra ý tưởng điều chỉnh một số quy định về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ để xin ý kiến các trường.

(TNO) Ngày mai 22.10, Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra ý tưởng điều chỉnh một số quy định về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ để xin ý kiến các trường.

doi-moi-thi-tot-nghiep-THPTThí sinh đăng ký xét tuyển ở Trường ĐH Thương mại - Ảnh: Quý Hiên
Dự kiến tổ chức thi THPT quốc gia vào trung tuần tháng 6
Theo dự thảo báo cáo mà Bộ GD-ĐT sẽ trình bày trong hội nghị ngày mai, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 vẫn sẽ được tổ
chức trong 3 ngày 13, 14, 15 của tháng 6.2016. Bộ sẽ tiếp tục tổ chức cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh như năm 2015, với một số điều chỉnh phù hợp với thực tiễn; tăng cường phối hợp, hỗ trợ của các trường ĐH; thí sinh ở các vùng giáp ranh giữa các cụm thi được linh hoạt lựa chọn cụm thi thuận tiện; các vùng đặc thù có nhiều khó khăn sẽ xem xét để đặt các điểm thi tạo thuận lợi cho thí sinh.
Đề thi tiếp tục theo hướng đánh giá năng lực, có độ phân hóa tốt hơn để đánh giá khách quan năng lực thí sinh, đáp ứng mục tiêu của kỳ thi.
Điều chỉnh chế độ ưu tiên trong tuyển sinh
Theo Bộ GD-ĐT, công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 vẫn tiếp tăng quyền tự chủ cho các trường. Các trường thực hiện phương án tuyển sinh riêng tiếp tục xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành.
Với các trường tuyển sinh ĐH, CĐ dựa trên kết quả thi THPT quốc gia, Bộ sẽ điều chỉnh một số quy định trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tuyển sinh năm 2015 theo hướng tăng quyền chủ động cho các nhà trường.
Theo đó, dự kiến sau khi có kết quả thi, các trường ĐH, CĐ tự chủ tổ chức tuyển sinh. Bộ chỉ quy định thời gian bắt đầu và thời gian báo cáo kết quả tuyển sinh; quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; thực hiện kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm. Ngoài ra, Bộ có thể quy định các đợt xét tuyển trên cơ sở các mức điểm khác nhau của thí sinh theo thứ tự từ cao xuống thấp để giảm rủi ro cho thí sinh và giảm thí sinh ảo cho các trường, mỗi đợt từ 5 - 7 ngày.
Các trường có thể quy định hình thức, điều kiện, thời gian đăng ký xét tuyển của thí sinh. Các nhóm trường (đặc biệt là nhóm khoảng 30 trường ĐH có sức hút thí sinh mạnh mẽ nhất năm 2015) có thể tự nguyện phối hợp với nhau thực hiện tuyển sinh bằng phần mềm xét tuyển và cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký chung vào nhóm trường này để giảm ảo, tạo thuận lợi cho cả thí sinh và nhà trường. Thí sinh căn cứ kết quả thi của mình và quy định của trường để đăng ký xét tuyển trực tuyến qua mạng, qua bưu điện, tại trường THPT của sở GD-ĐT hoặc tại trường ĐH.
Ngoài ra, phía Bộ GD-ĐT cũng sẽ điều chỉnh chế độ ưu tiên cho phù hợp với các quy định hiện hành và thực tiễn.
Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Bộ sẽ xác định các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập làm cơ sở hoàn thiện phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Sau đó, Bộ sẽ rà soát để điều chỉnh, bổ sung và ban hành kịp thời quy chế và các văn bản chỉ đạo về thi và tuyển sinh, công tác tài chính.
"Tôi đặc biệt quan tâm tới chất lượng kỳ thi THPT quốc gia, trong khi nếu vẫn tổ chức theo cách thức và công nghệ như năm 2015 như Bộ GD-ĐT tuyên bố thì tôi thấy không thể tin rằng kỳ thi sẽ có chất lượng tốt.
Theo tôi, với một kỳ thi quy mô lớn (tới 1 triệu thí sinh) mà vẫn sử dụng đề thi tự luận thì chắc chắn sẽ khó đưa ra kết quả chính xác. Bộ nên tham khảo cách thức tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực mà ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức, dù đó chưa phải là một kỳ thi hoàn toàn chất lượng, nhưng việc họ dùng hoàn toàn phương pháp trắc nghiệm cho thấy sự tiến bộ trong việc ứng dụng khoa học đo lường tiên tiến của họ khi tổ chức kỳ thi.
Ở các nước, với những kỳ thi quy mô lớn, bao giờ họ cũng dùng chủ yếu đề trắc nghiệm, tự luận nếu có chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Xét về mặt lý thuyết (nghĩa là giả định mọi kỳ thi đều thực hiện nghiêm túc khâu coi thi), chất lượng của kỳ thi phụ thuộc vào đề thi và chất lượng chấm thi. Để có được một đề thi tốt, chúng ta có thể chuẩn bị và tích lũy hàng năm trời. Nhưng làm thế nào để khâu chấm thi đảm bảo chất lượng lại là một thách thức khi mà chúng ta vẫn phải dùng người để chấm một cách thủ công như cách bắt buộc phải làm khi ra đề thi tự luận, đặc biệt là với một kỳ thi có hàng triệu bài thi như kỳ thi THPT quốc gia. Chất lượng chấm chỉ có thể đảm bảo đồng đều nếu chúng ta thực hiện phương pháp thi trắc nghiệm. Như vậy, chất lượng kỳ thi chỉ còn phụ thuộc vào yếu tố chất lượng đề, điều mà chúng ta có thể chủ động tạo ra nếu có được sự chuẩn bị tốt".
(GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.