Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội chưa thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM. Sau đó, Bộ GTVT và Tổng công ty đường sắt VN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phép được nghiên cứu, lập báo cáo khả thi với hai đoạn tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang, thay vì toàn tuyến Hà Nội - TP.HCM.
Bộ GTVT cũng đã có công hàm gửi Chính phủ Nhật Bản mong muốn phía Nhật hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật để lập báo cáo khả thi.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đạt Tường, Phó tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt cho biết, Chính phủ đã đồng ý cho tiếp nhận hỗ trợ lập nghiên cứu khả thi cho hai đoạn đường sắt trên nhằm giải quyết các nội dung câu hỏi Quốc hội yêu cầu. Trả lời câu hỏi việc lập báo cáo khả thi có trái với chủ trương của Quốc hội không, ông Tường cho hay, các nội dung dự án trình Quốc hội trước đây để xin chủ trương đầu tư nhưng thiếu thông tin. Quốc hội đề nghị nghiên cứu sâu hơn, trên cơ sở đó trình Quốc hội lựa chọn. Việc hợp tác sắp tới sẽ đưa ra một nghiên cứu khả thi sâu hơn, trả lời các câu hỏi của Quốc hội, trên cơ sở đó có thể thực hiện được dự án này.
Theo ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban TVQH, tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, QH chưa thông qua chủ trương đầu tư nhưng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu vì cho rằng dự án chưa đầy đủ thông tin, chưa có đủ căn cứ, cơ sở để mà xem xét, quyết định. Hiện cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về dự án khi trình ra QH xin chủ trương đầu tư thì phải là dự án đã có nghiên cứu tiền khả thi hay khả thi. Cho nên việc tiếp tục nghiên cứu bây giờ cũng là cần thiết. Vấn đề là cơ chế huy động kinh phí phục vụ cho việc lập dự án nghiên cứu khả thi được giải quyết như thế nào bởi khi nghiên cứu khả thi tức là phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn, có khi hàng chục triệu USD, nhưng đến khi xin chủ trương mà không được thì rất lãng phí. Vì vậy, để giải quyết tình trạng này, nên có quy định rõ ràng hơn về các tiêu chí đầu tư chương trình, dự án trình QH cho ý kiến, chủ trương.
Được biết, về cơ bản phía Nhật Bản đồng ý tài trợ kinh phí và kỹ thuật cho việc lập báo cáo khả thi. Dự kiến hai bên sẽ ký kết biên bản thỏa thuận về việc hợp tác trên trong ngày 31.8.
Ngoài ra, Tổng công ty đường sắt cũng sẽ phối hợp với phía Nhật Bản nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Ngọc Hồi - Nội Bài dài 25 km, với hai phương án đưa ra là làm đường sắt đô thị hoặc đường sắt cao tốc thí điểm cho các dự án cao tốc về sau. Theo tính toán của phía Nhật Bản, các dự án này sẽ bắt đầu được nghiên cứu khả thi vào tháng 11.2010 và kết thúc vào quý 1/2012.
Mai Thu - Bảo Cầm
Bình luận (0)