>> Chia sẻ bản đồ Trung Quốc không có Trường Sa, Hoàng Sa
>> Bản đồ Trung Quốc biến không thành có
>> Trung Quốc bối rối trước tấm bản đồ cổ
>> Chứng cứ pháp lý từ một tấm bản đồ Trung Quốc
>> Hiến bản đồ Trung Quốc cho Bảo tàng Lịch sử
Theo Chi cục Hải quan Tân Thanh, trong những ngày gần đây, lực lượng Hải quan phối hợp với bộ đội biên phòng kiểm tra tại một số khu chợ trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, tịch thu một số quả địa cầu hành chính có kích thước lớn như mũ bảo hiểm do Trung Quốc sản xuất, có chú giải bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Kiểm tra về nội dung trên những quả địa cầu này cho thấy, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN bị in đồng màu với địa phận Trung Quốc.
|
Theo một lãnh đạo của Chi cục Hải quan Tân Thanh, có rất nhiều nội dung sai trái được cố tình in trên những quả địa cầu này như 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN thành Nam Sa và Tây Sa của Trung Quốc. Mặt khác, “đường lưỡi bò” cũng lờ mờ được thể hiện bằng nét đứt trên vùng biển của VN. Cũng theo lực lượng Hải quan tỉnh Lạng Sơn, ngay sau khi phát hiện, lực lượng chức năng đã lập biên bản tịch thu.
Trao đổi với Thanh Niên hôm qua, một cán bộ có trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn khẳng định trong thời gian tới sẽ phối hợp với lực lượng hải quan tăng cường kiểm soát chặt chẽ, tránh để xảy ra những trường hợp tương tự.
Cảnh giác với tiểu xảo của Trung Quốc
Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân cho biết từ nhiều năm qua Trung Quốc có một chủ trương nhất quán trong việc thể hiện chủ quyền “đường lưỡi bò” trên các loại bản đồ. Mỗi ấn phẩm của Trung Quốc, nếu có phần thể hiện bản đồ thì chắc chắn “đường lưỡi bò” sẽ có, dù đó là một quyển sách địa lý phổ thông hay một biên khảo về lịch sử văn hóa. Thậm chí trong một cuốn sách về khảo cổ các tỉnh Thiểm Tây, Tứ Xuyên (miền trung Trung Quốc) mặc dù không có liên quan gì đến Quảng Đông (phía nam, giáp biển) họ cũng cho in một bản đồ tổng quát thể hiện “đường lưỡi bò”. Điều đó cho thấy họ tuyên truyền cho “đường lưỡi bò” phi pháp này một cách rất có hệ thống. Tương tự, đối với các ấn phẩm bằng các thứ tiếng khác, ví dụ tiếng Anh, Pháp do nhà xuất bản ngoại văn của Trung Quốc ấn hành thì các bản đồ cũng được thể hiện.
Chủ trương này được thực hiện cặn kẽ, chi tiết và nhất quán, tạo sự ngộ nhận cho người dân Trung Quốc cũng như các quốc gia khác khi tiếp cận với các ấn phẩm đó rằng: toàn bộ vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” đều thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Ông Phạm Hoàng Quân cũng cảnh báo trong tương lai không loại trừ khả năng sẽ có những bản đồ do Trung Quốc in ấn bằng tiếng Việt nhưng lại có “đường lưỡi bò” hay các địa danh thể hiện theo cách của Trung Quốc được đưa vào VN theo cả con đường hợp pháp hoặc bất hợp pháp. Đặc biệt, khi những bản đồ đó lại được in bằng tiếng Việt thì dễ làm mọi người nghĩ rằng do VN sản xuất. Chính vì vậy, nếu để những sản phẩm kiểu này lọt vào VN sẽ tạo ra những hậu quả rất nghiêm trọng.
Thái Sơn - Trường Sơn - Lê Quân
Bình luận (0)