Tiếp tục quan tâm đặc biệt đến phòng chống tham nhũng

27/04/2017 06:50 GMT+7

Ngày 26.4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếc xúc cử tri Q.1, Q.3, Q.4 và H.Cần Giờ trước kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri nêu ra hàng loạt vấn đề còn tồn tại trong công tác phòng chống tham nhũng, bất cập trong việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, bảo vệ môi trường, giải quyết khiếu nại - tố cáo, đảm bảo an ninh trật tự, nông nghiệp được mùa mất giá, thực phẩm độc hại tràn lan...
Đề cập đến các vụ việc “hot girl xứ Thanh thăng tiến thần tốc”, “lái xe thành... phó viện trưởng kiêm chủ tịch hội đồng khoa học” mà Thanh Niên vừa phản ánh, cử tri đặt vấn đề phải chăng đây là một góc khuất trong công tác cán bộ, tổ chức bộ máy nhà nước? Cử tri mong muốn Quốc hội có giải pháp hữu hiệu để giải quyết, tạo động lực thúc đẩy đất nước phát triển.
Ghi nhận và tiếp thu tất cả ý kiến của cử tri, riêng về công tác phòng chống tham nhũng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định T.Ư tiếp tục quan tâm đặc biệt trong việc chỉ đạo, xử lý nghiêm nhằm củng cố lòng tin của người dân vào Đảng, Nhà nước.
Theo Chủ tịch nước, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng và đang là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Cũng theo Chủ tịch nước, trong quý 1/2017, tội phạm kinh tế, tham nhũng xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, với các thủ đoạn tham ô, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái các quy định của nhà nước, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng...
Đề cập đến những giải pháp cụ thể, Chủ tịch nước cho rằng để đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả, thì việc phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí có ý nghĩa quyết định; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải nêu gương về đạo đức, lối sống và kiên quyết phòng chống tham nhũng, lãng phí. “Phải dấy lên trong toàn xã hội thái độ lên án nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng, lãng phí, đề cao ý thức thượng tôn pháp luật, tinh thần trọng danh dự của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức. Đặc biệt, xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không muốn, không dám tham nhũng”, Chủ tịch nước khẳng định.
Sớm sửa đổi quy định về đất đai
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri nhắc lại vụ việc “nóng” vừa xảy ra ở xã Đồng Tâm, H.Mỹ Đức (Hà Nội). “Việc thu hồi đất, gây bức xúc dẫn đến sự phản kháng quyết liệt theo kiểu “tức nước vỡ bờ” của người dân xã Đồng Tâm vừa qua đã nói lên nhiều điều. Dư luận lâu nay bức xúc tình trạng thiếu chấp hành kỷ cương pháp luật, lạm quyền vì lợi ích nhóm của một bộ phận cán bộ các cấp, gây nhiều hệ lụy tiêu cực, làm giảm niềm tin của người dân”, một cử tri nói thẳng và đề nghị Quốc hội cần phải tập trung giám sát vấn đề này trên phạm vi toàn quốc.
Trả lời chất vấn của cử tri, Chủ tịch nước khẳng định đây là vấn đề rất quan trọng. Theo Chủ tịch nước, nhiều sai phạm đã xảy ra trong quá trình thực thi luật Đất đai, do đó vấn đề đặt ra là phải sớm sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan, và nội dung này đã nằm trong chương trình nghị sự của Quốc hội.
Cũng tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ với bức xúc của cử tri về vấn đề biên chế, tinh giản biên chế công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước. Theo Chủ tịch nước, vừa qua Quốc hội có cử một số đoàn công tác làm việc với các bộ, ngành về vấn đề này. Chủ tịch nước khẳng định: "Các cơ quan liên quan đang tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, những yếu tố cản trở quá trình tinh giản biên chế để đề xuất các giải pháp phù hợp".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.