Tiếp tục thu hồi sữa nghi nhiễm khuẩn |
Các sản phẩm thuộc diện cảnh báo bao gồm: Karicare Formula số 1 (cho trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi) với số lô 3169 và 3170; hạn sử dụng 17.6.2016 và 18.6.2016. Karicare Gold+ Follow on
Formula số 2 (cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi) với số lô D3183; hạn sử dụng 31.12.2014. Theo thông tin Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand, các sản phẩm này chỉ được bán trên thị trường New Zealand và đã được Công ty Nutrica tự nguyện thu hồi trên thị trường New Zealand. Các dòng sản phẩm Karicare khác của Nutricia không bị ảnh hưởng và không phải thu hồi.
Cục ATTP đã khẩn trương rà soát toàn bộ các sản phẩm Karicare của Công ty Nutricia đã công bố tại Cục ATTP từ đầu năm 2012 đến nay. Kết quả rà soát cho thấy, không có sản phẩm Karicare cho trẻ dưới 12 tháng tuổi nào được công bố tại Cục. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng VN, ngay trong ngày, Cục ATTP đã có Công văn số 1581/ATTP-SP yêu cầu Công ty TNHH MTV dinh dưỡng Châu Úc - đơn vị nhập khẩu sản phẩm Karicare vào VN khẩn trương thống kê việc nhập khẩu các sản phẩm Karicare và báo cáo về Cục ATTP trước ngày 6.8.2013.
Trong khi đó, việc thu hồi các sản phẩm sữa Similac GainPlus Eye-Q (dành cho trẻ 1 - 3 tuổi) bị cảnh báo nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum đang được Công ty Abbott VN khẩn trương cho thu hồi. Chiều 4.8, khảo sát tại nhiều cửa hàng bán sản phẩm này tại Hà Nội và TP.HCM, các chủ cửa hàng cho biết nhân viên công ty đã đến thu hồi sản phẩm. Trong khi đó, đại diện hệ thống Co.op Mart, BigC Việt Nam, khẳng định họ không kinh doanh sản phẩm sữa Similac GainPlus Eye-Q trong diện bị thu hồi.
Trung Quốc “ngưng nhập sữa New Zealand” Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser ngày 4.8 thông báo Trung Quốc đã ngưng nhập khẩu sữa bột từ nước này, sau khi có cảnh báo thành phần Whey protein do Công ty sữa Fonterra sản xuất chứa vi khuẩn Clostridium Potulinum có thể dẫn đến chết người. AFP dẫn lời ông Groser thừa nhận lệnh cấm này “hoàn toàn hợp lý”. Trước đó, ông Groser cảnh báo Whey protein đã được xuất khẩu sang Việt Nam, Trung Quốc, Úc, Thái Lan, Malaysia và Ả Rập Xê Út. Trong khi đó, Tổng cục Giám sát, Kiểm tra và Đo lường chất lượng (AQSIQ) của Trung Quốc đã yêu cầu các nhà nhập khẩu nước này thu hồi sản phẩm bị nhiễm. Hôm qua, AQSIQ công bố danh sách 4 công ty Trung Quốc nhập sản phẩm của Fonterra bị nghi ngờ gồm Hangzhou Wahaha Health Food Co. Ltd., Hangzhou Wahaha Import & Export Co. Ltd., Shanghai Tangjiu (Group) Co. Ltd. và Shanghai-based Dumex Baby Food Co. Ltd, theo Tân Hoa xã. Văn Khoa |
Liên Châu - Hoàng Việt
>> Vụ 'sữa nhiễm khuẩn vào VN': Sữa Karicare cũng nhiễm khuẩn
>> New Zealand cảnh báo sữa nhiễm khuẩn vào Việt Nam
>> Vụ tiêu hủy gần 1 tấn heo sữa nhiễm khuẩn: Đề nghị chuyển công tác kiểm dịch viên sai phạm
>> Cảnh báo về sữa nhiễm khuẩn gây tiêu chảy
Bình luận (0)