Tiếp tục truy tìm vàng hời

17/04/2012 03:43 GMT+7

Ngày 16.4, ông Phạm Xuân Thành, 58 tuổi, người trông coi lô đất đang xây nhà cho con dâu Nguyễn Thị Thùy Trang ở tổ 34 P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng cho biết, mấy ngày qua, người lạ vẫn đến đây rà tìm vàng sau vụ một người đàn ông đào được hũ vàng hời hôm 10.4. Không chỉ lùng sục khắp khu đất của bà Trang, người dân còn leo lên gò đất cao hơn 4 mét bên cạnh để tìm kiếm nhưng không phát hiện thêm gì.

>> Rà phế liệu trúng hũ vàng

Trước đó, Ban Quản lý dự án khu dân cư ở tổ 34 dự kiến sẽ bàn giao khu đất cho nhà ông Thành vào ngày 13.4, nhưng gia đình đã xin nhận đất vào ngày tốt 9.4 để động thổ. Tuy nhiên, đến ngày 9.4, Ban Quản lý dự án mới đưa xe cơ giới đến san ủi mặt bằng và hẹn ngày 11.4 sẽ bàn giao. Do đó, đến ngày 10.4, khi mặt bằng đã được ủi đi khoảng 0,7 mét, người đàn ông may mắn chỉ cuốc xuống thêm 10 cm là trúng hũ vàng. Còn ông thợ mộc Huỳnh Bá Hoàng, 52 tuổi, Tổ trưởng tổ dân phố 34 dù đã “hốt từng nạm” lá kim loại bỏ vào bao giúp người đàn ông rà tìm phế liệu, nhưng ông vẫn không tiếc khi sau đó phát hiện đó là vàng hời. Bởi theo ông Hoàng, nhóm 6 người của ông khi bán xái vàng nhặt nhạnh được 4,8 triệu đồng cũng đã quá vui mừng và hài lòng.

 
Người rà phế liệu tiếp tục kéo đến tìm cơ may - Ảnh: Nguyễn Tú

Nhưng cũng trong buổi trưa ngày 10.4, người dân ở tổ 34 đã nghe tin ông Đ., thủ kho một đơn vị xây dựng giữ 1 chiếc ấm và 2 chiếc chén - nằm trong số hiện vật người đàn ông rà phế liệu tìm được - đã bị xuất huyết não. Theo một cán bộ ngành văn hóa, căn cứ luật Di sản văn hóa, nếu hiện vật người đàn ông rà phế liệu đào được là tài sản thông thường thì người đó có quyền sở hữu, chỉ khi xác định đó là cổ vật, thì các ngành chức năng và chính quyền mới đề nghị thỏa thuận mua lại để phục vụ mục đích nghiên cứu.

Vàng hời

Theo dân gian, vàng hời là hiện vật bằng kim loại quý gồm vàng và bạc do người Chăm chế tác từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 14. Theo phong tục, người Chăm thường hỏa táng nên những mộ hời hình mu rùa được truyền miệng là nơi cất giấu của cải của người Chăm trong quá trình di tản, loạn lạc. Nhiều thợ kim hoàn cho biết thêm, vàng hời mà xưa nay người dân nhặt, đào được đem đến bán cho tiệm vàng thường có hình hoa, lá, phù điêu, buồng cau, gà trống... và thường có tuổi vàng thấp dưới 6 - 7 tuổi, màu sáng hơi xanh vì pha nhiều bạc.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.