Ngày 8.12, sau thời gian 4 tuần chuẩn bị, cô Trịnh Thị Minh Hương đã cùng học sinh lớp 12A9, Trường THPT Phú Nhuận, thực hiện chuyên đề Cảm hứng đất nước trong thơ ca giai đoạn 1945 - 1975 theo định hướng STEAM.
Nói về mục đích thực hiện chuyên đề này, cô Minh Hương chia sẻ: “Qua bài học giúp các em cảm nhận được một cách hệ thống hình tượng đất nước qua các tác phẩm thơ giai đoạn 1945 - 1975 đã học. Đồng thời hiểu được những thông điệp tác giả gửi gắm. Từ đó xâu chuỗi kiến thức liên môn về lịch sử, địa lý trong thời kỳ đau thương mà oanh liệt của dân tộc”.
|
Với mục đích đó, cô và trò lớp 12A9 đã chia thành các nhóm nhỏ, nhận công việc khác nhau. Nhóm Chuyên gia kiến thức (Science) đảm trách viết tham luận, cảm nhận về hình tượng đất Nước, nhóm Công nghệ thông tin (Technology), nhận nhiệm vụ tìm kiếm thông tin cung cấp cho các nhóm, lập Facebook, nhóm chuyên gia Quân sự (Engineering, Math) chế tạo mô hình, lược đồ. Còn Nhóm nghệ thuật (Art) chuẩn bị các tiết mục văn nghệ như múa, hát, hội họa và nhóm Lăng kính chịu trách nhiệm quay phim, chụp hình quá trình thực hiện chuyên đề.
|
Vì vậy mà những tiết học văn của học sinh Trường THPT Phú Nhuận không chỉ là những kiến thức văn học mà còn cả âm nhạc, trò chơi, hội họa, toán học, kỹ thuật, công nghệ thông tin. “Phương pháp giáo dục STEAM thực hiện trong giờ ngữ văn đã giúp chúng em nắm rõ kiến thức, quan trọng là phát triển kỹ năng tư duy chứ không phải ngồi chăm chăm học thuộc lòng trước kỳ thi quan trọng nữa”, thành viên nhóm Chuyên gia kiến thức đưa ra nhận xét.
Sau tiết học, cô Minh Hương cho biết việc hình thành kiến thức bài học bằng phương pháp STEAM đã giúp học sinh phát huy trí não, có góc nhìn đa chiều về những vấn đề trong cuộc sống. Tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm của các em dần được hình thành, phát triển tốt hơn thông qua bài học.
Bình luận (0)